Phương thức xử lý tài sản thế chấp có thể được các bên thỏa thuận ngay từ khi giao kết hợp đồng thế chấp tài sản, hoặc thỏa thuận khi phát sinh việc xử lý tài sản thế chấp. Sự thỏa thuận của các bên sẽ được ưu tiên áp dụng. Điều 303 BLDS 2015 quy định bốn phương thức xử lý tài sản thế chấp mà các bên có thể thỏa thuận áp dụng là: i) Bán đấu giá tài sản; ii) Bên nhận thế chấp tự bán tài sản; iii) Bên nhận thế chấp nhận chính tài sản thế chấp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp; iv) Phương thức khác (ví dụ như bù trừ nghĩa vụ trả nợ). Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thế chấp thì tài sản thế chấp được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích về các phương thức xử lý tài sản thế chấp

1. Phương thức bán đấu giá tài sản

Trường hợp các bên thỏa thuận về xử lý tài sản thế chấp theo phương thức đấu giá và có thỏa thuận riêng về thủ tục đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản thì việc xử lý tài sản thực hiện theo thỏa thuận này. Trường hợp không có thỏa thuận riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Việc bán đấu giá tài sản thế chấp phải bảo đảm tính công khai, minh bạch của quá trình xử lý tài sản (cung cấp thông tin đầy đủ liên quan đến tài tài sản đấu giá, phiên bán đấu giá, giá bán của tài sản luôn cao hơn hoặc bằng giá khởi điểm đã xác định, thủ tục bán tài sản được tiến hành một cách chuyên nghiệp).

Trên thực tế, để có thể xử lý được tài sản thì bên nhận thế chấp phải khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, phát mại tài sản thế chấp. Sau khi bản án, quyết định có hiệu lực, bên nhận thế chấp tiếp tục phải nộp hồ sơ yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền thể yêu cầu thi hành án. Sau đó, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản để chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá cho tổ chức bán đấu giá.

2. Phương thức bên nhận thế chấp tự bán tài sản

Trong trường hợp này, mức giá bán phải được sự đồng thuận của các bên nhằm tránh trường hợp một bên “dìm giá” và thu lợi bất chính từ việc xử lý tài sản. Các bên có thể đề nghị tổ chức định giá tài sản thẩm định giá trị tài sản làm căn cứ xác định giá bán tài sản. Trên thực tế, phương thức xử lý tài sản này chỉ có thể được thực hiện khi có sự thỏa thuận của các bên, bởi lẽ nếu bên nhận thế chấp tiến hành bán tài sản mà bên thế chấp không thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho người mua thì việc chuyển nhượng không thể hoàn tất.

3. Phương thức bên nhận thế chấp nhận chính tài sản thế chấp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp

Bên nhận thế chấp được quyền nhận chính tài sản thế chấp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp nếu các bên có thỏa thuận khi xác lập giao dịch bảo đảm hoặc được bên thế chấp đồng ý bằng văn bản. Trường hợp giá trị của tài sản thế chấp lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận thế chấp phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên thế chấp; trường hợp giá trị tài sản thế chấp nhỏ hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm. Bên thế chấp có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận thế chấp theo quy định của pháp luật. Xét dưới góc độ pháp lý, phương thức này khá hiệu quả bởi tiết kiệm được thời gian, chi phí để xử lý tài sản thế chấp nhưng trên thực tế, phương thức này không dễ thực hiện bởi lẽ bên nhận thế chấp có thể bị hạn chế đối với quyền nhận gán tài sản, hoặc bên thế chấp không tuân thủ các nghĩa vụ đã thỏa thuận khiến cho việc chuyển quyền sở hữu tài sản của bên nhận thế chấp gặp nhiều khó khăn.

4. Phương thức khác

Các bên có thể thỏa thuận một phương thức xử lý tài sản thế chấp khác với những phương thức đã nêu ở trên, miễn là sự lựa chọn này phù hợp với quy định pháp luật. Ví dụ, hai bên có thể thỏa thuận về việc bên nhận thế chấp bán tài sản thế chấp để cấn trừ khoản nợ. Trên thực tế, khi không đạt được sự đồng thuận về việc xử lý tài sản thế chấp giữa các bên, bên nhận thế chấp chỉ có cách khởi kiện vụ án ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, tiếp tục yêu cầu thi hành án sau khi có bản án, quyết định của Tòa án. Phương thức này phải tuân thủ trình tự, thủ tục của pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật thi hành án và pháp luật khác có liên quan.

Trên đây là bài viết của TNTP về “Quy định pháp luật về các phương thức xử lý tài sản thế chấp”. Hy vọng bài viết này hữu ích với các độc giả.

Trân trọng,