Đối với bên cho vay, biện pháp thế chấp tài sản là nguồn thu nợ hữu dụng khi bên vay không hoàn trả được khoản nợ đúng hạn, đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào việc xử lý tài sản thế chấp của bên cho vay cũng diễn ra suôn sẻ. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt là tại giai đoạn xử lý tài sản thế chấp, các tranh chấp giữa các bên thường phát sinh. Trong bài viết này, TNTP sẽ nêu một số phương thức các bên trong quan hệ thế chấp có thể áp dụng để giải quyết tranh chấp.

1. Một số loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thế chấp tài sản

Các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thế chấp tài sản rất đa dạng, tuy nhiên, về cơ bản bao gồm một số loại tranh chấp như sau:

• Tranh chấp liên quan đến chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng;
• Tranh chấp do vi phạm về hình thức của hợp đồng thế chấp tài sản;
• Tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng của tài sản thế chấp;
• Tranh chấp do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thế chấp tài sản;
• Tranh chấp trong việc lựa chọn phương thức xử lý tài sản thế chấp;
• Tranh chấp khi thỏa thuận và định giá tài sản thế chấp;
• Tranh chấp về thứ tự ưu tiên thanh toán và chênh lệch về giá trị tài sản thế chấp so với khoản vay được bảo đảm trong hợp đồng cho vay tài sản;
• Tranh chấp liên quan đến luật áp dụng và thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

2. Các phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thế chấp tài sản

Một số phương thức thông dụng mà các bên thường áp dụng để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thế chấp tài sản bao gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài và giải quyết tranh chấp tại Tòa án,…

• Về phương thức thương lượng:

Thành phần tham gia bao gồm các bên trong quan hệ hợp đồng thế chấp tài sản, hợp cho vay tài sản. Ngoài ra, các bên có thể nhờ sự hỗ trợ của bên thứ ba như luật sư, chuyên gia,… Các bên sẽ gặp gỡ, trao đổi với nhau để đạt được sự thỏa thuận chung, tuy nhiên thỏa thuận này không có giá trị bắt buộc mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự giác, tự nguyện của các bên.

• Về phương thức hòa giải:

Khi giải quyết bằng phương thức này, ngoài thành phần tham gia là các bên trong quan hệ hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng vay tài sản thì còn có sự hỗ trợ của hòa giải viên. Hòa giải viên đóng vai trò là người trung gian hỗ trợ các bên đạt được một thỏa thuận chung để giải quyết tranh chấp. Hòa giải viên có thể tư vấn và đề nghị áp dụng biện pháp giải quyết và các bên có thể chấp thuận hoặc từ chối biện pháp này, hoặc đề xuất áp dụng một biện pháp khác. Hòa giải viên không có thẩm quyền áp đặt giải pháp đối với các bên. Khi các bên hòa giải thành, để kết quả hòa giải thành có tính bắt buộc thi hành, văn bản về kết quả hòa giải thành phải được trình cho tòa án để toà án công nhận theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp các bên không hòa giải thành, các bên có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp tại Trọng tài hoặc Tòa án, tùy vào sự thỏa thuận của các bên.

• Về phương thức trọng tài:

Để giải quyết theo phương thức này, các bên buộc phải có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Tùy vào thỏa thuận của các bên mà trọng tài giải quyết vụ việc có thể là Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài vụ việc. Khi các bên đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài sẽ lập biên bản hòa giải thành, sau đó ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như một phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài mang tính bắt buộc đối với các bên, đây là điểm lợi thế hơn so với phương thức thương lượng và hòa giải.

• Về phương thức Tòa án:

Đây là phương thức phổ biến nhất mà các bên áp dụng để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng thế chấp tài sản sau khi việc thương lượng, đàm phán không thành. Để giải quyết tranh chấp tại Tòa án, một trong các bên phải gửi đến Tòa án đơn khởi kiện thể hiện rõ tình tiết vụ việc, yêu cầu khởi kiện cũng như các chứng cứ có liên quan. Trong quá trình giải quyết tại Tòa án, nguyên đơn phải thực hiện một số việc như nộp tạm ứng án phí; tham gia các buổi làm việc, phiên họp tại Tòa án; chuẩn bị bản tự khai, bản giải trình, các văn bản khác theo yêu cầu của Thẩm phán; cung cấp bổ sung chứng cứ; tham gia phiên xét xử;… Bản án/ quyết định của Tòa án sẽ mang tính bắt buộc đối với các bên, nếu một bên không tự nguyện thi hành thì bên còn lại có quyền yêu cầu thi hành án tại cơ quan thi hành dân sự có thẩm quyền.

Trên đây là bài viết “Phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thế chấp tài sản” mà TNTP gửi tới độc giả. TNTP hy vọng bài viết này sẽ mang lại những giá trị hữu ích cho độc giả.

Trân trọng,