Trong các hợp đồng thương mại, các bên tham gia hợp đồng thường áp dụng các chế tài để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm nếu có hành vi vi phạm của bên còn lại gây ra. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra phân tích về chế tài Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại.
1. Phạt vi phạm
• Theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại 2005, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, điều kiện tiên quyết để chế tài phạt vi phạm có hiệu lực là hợp đồng giữa các bên phải có nội dung thỏa thuận về việc phạt vi phạm. Khi đó, bên vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng sẽ phải trả bên bị vi phạm một giá trị khoản tiền phạt mà các bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên, phạt vi phạm sẽ không áp dụng trong các trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật bao gồm:
– Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
– Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
– Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
– Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
• Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại 2005, Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Trừ trường hợp phạt vi phạm khi có kết quả giám định sai.
Như vậy, tuy thỏa thuận phạt vi phạm do các bên tự thỏa thuận nhưng mức phạt vi phạm chỉ được giới hạn ở mức 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Điều này nhằm mục đích đảm bảo chế tài phạt vi phạm không bị lợi dụng trong trường hợp một bên tham gia hợp đồng ở thế yếu hơn phải chấp nhận mức phạt vi phạm quá lớn do bên còn lại có ưu thế hơn đưa ra.
Đồng thời, cũng theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại 2005, mức phạt vi phạm 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm sẽ không được áp dụng khi có căn cứ chứng minh kết quả giám định giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm do bên cung cấp dịch vụ giám định có kết quả sai. Điều này nhằm đảm bảo sự công bằng, bảo vệ quyền lợi của bên có trách nhiệm thanh toán tiền phạt vi phạm theo đúng giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo đúng sự thật khách quan.
2. Bồi thường thiệt hại
• Theo quy định tại Khoản 1 Điều 302 Luật Thương mại 2005, Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
Có thể thấy khác với chế tài Phạt vi phạm, Bồi thường thiệt hại là chế tài luôn được áp dụng mà không bắt buộc cần có thỏa thuận áp dụng tại Hợp đồng, miễn là có thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi vi phạm của bên vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại.
• Theo khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005, giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Như vậy, có thể thấy khác với giá trị bồi thường thiệt hại chị bị giới hạn ở 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại sẽ được tính bằng toàn bộ giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh các giá trị tổn thất này. Ngoài giá trị tổn thất thực tế, chế tài bồi thường thiệt hại còn áp dụng đối với khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm, đây là các khoản lợi mà sẽ đem lại giá trị trong tương lai nhưng do hành vi vi phạm xảy ra nên dẫn đến thiệt hại cho bên bị vi phạm khi không được hưởng các khoản lợi này.
• Chứng minh tổn thất:
Theo quy định tại Điều 304 Luật Thương mại 2005, Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Như vậy, để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiết hại thì bên bị vi phạm có nghĩa vụ phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng. Việc chứng minh này phải được thể hiện bằng văn bản, tài liệu có giá trị pháp lý và phải phản ánh đúng sự thật, khách quan, phải có sự liên quan và mối quan hệ nhân quả đối với hành vi vi phạm. Chứng cứ càng rõ ràng và chính xác thì quyền lợi của bên bị vi phạm mới được đảm bảo tốt nhất, và đồng thời cùng xác định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà bên vi phạm gây ra.
Từ những nội dung trên, có thể thấy chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là các chế tài góp phần bảo vệ quyền lợi của bên bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm. Điều này ràng buộc các bên phải thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên khi có thiệt hại xảy ra do lỗi của bên còn lại.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Phạt vi phạm và bổi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại”. Mong rằng bài viết trên đem lại giá trị cho các độc giả.
Trân trọng,