Khi giao kết hợp đồng, nội dung hợp đồng thường chứa đựng các điều khoản chế tài nhằm ràng buộc các bên thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình như đã quy định. Cụ thể, trường hợp một bên vi phạm hợp đồng, lúc này bên bị vi phạm sẽ có quyền yêu cầu bên vi phạm thanh toán mức phạt theo thỏa thuận và bồi thường thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm đó, đây được gọi là “bồi thường thiệt hại trong hợp đồng”. Bên cạnh đó, trong pháp luật dân sự có quy định “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Đây là hai khái niệm mà nhiều người chưa hiểu và phân biệt rõ. Vì vậy, trong bài viết này, TNTP sẽ làm rõ hai vấn đề này thông qua những nội dung phân tích dưới đây.
1. Khái niệm về thiệt hại
• Theo khái niệm thông thường, thiệt hại có thể hiểu là sự mất mát về người, về của cải vật chất hoặc tinh thần.
• Căn cứ tại Điều 361 của Bộ Luật Dân sự 2015, khái niệm về Thiệt hại được quy định như sau:
– Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm những tổn hại về vật chất và tinh thần.
– Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất có bao gồm tài sản và có thể xác định, đo đếm được để có phương án hợp lý nhằm ngăn chặn, khắc phục tổn thất.
Ví dụ: A đến nhà B chơi và làm vỡ đồ trang trí có giá trị của B. Trường hợp này có thể hiểu B đang bị tổn thất về tài sản (hay gọi là thiệt hại về vật chất nói chung).
– Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần bao gồm tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của chủ thể.
Ví dụ: A và B cùng lái ô tô lưu thông trên đường. Do A phóng nhanh nên dẫn đến xảy ra tai nạn khiến B bị gãy chân và chấn thương thương nặng. Trường hợp này có thể hiểu B đang bị tổn thất về tính mạng, thân thể và sức khỏe (hay gọi là thiệt hại về tinh thần nói chung).
2. Phân biệt “bồi thường thiệt hại trong hợp đồng” và “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”
a) Giống nhau
Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có những đặc điểm chung như sau:
• Là hành vi khắc phục hậu quả khi bên bị thiệt hại bị ảnh hưởng bởi hành vi gây thiệt hại làm tổn thất về tinh thần hoặc vật chất.
• Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả của hành vi gây thiệt hại.
• Khi xảy ra thiệt hại, các bên có thể thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường thiệt hại.
• Chỉ phát sinh khi có thiệt hại thực tế xảy ra và bên bị thiệt hại bị ảnh hưởng bởi hành vi gây thiệt hại.
b) Khác nhau
(i) Về căn cứ phát sinh việc bồi thường:
• Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: Là nội dung hoặc điều khoản chế tài được quy định trong hợp đồng. Khái niệm này sẽ phát sinh chỉ khi trong hợp đồng có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại và hành vi vi phạm thỏa thuận đã diễn ra. Có thể hiểu rằng thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc và khi xảy ra hành vi vi phạm (dù có hậu quả thiệt hại hay chưa) thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh.
Ví dụ: Công ty A là bên cung chấp hàng hóa cho Công ty B để sản xuất theo các Đơn đặt hàng của mình. Tuy nhiên, Công ty A không giao hàng hóa đúng thời hạn theo Hợp đồng khiến Công ty B phải nhập hàng hóa từ bên thứ ba với đơn giá cao hơn đơn giá của Công ty A và không kịp sản xuất đủ sản phẩm theo các Đơn đặt hàng.
Trong trường hợp này, Công ty A không giao hàng hóa đúng thời hạn theo Hợp đồng được xem là hành vi vi phạm thỏa thuận, dẫn đến Công ty B bị thiệt hại về chi phí khi phải mua đơn giá cao hơn từ bên thứ ba (thiệt hại trực tiếp) và bị ảnh hưởng uy tín kinh doanh, thương hiệu sản phẩm với khách hàng (thiệt hại gián tiếp).
• Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Chỉ phát sinh khi một hành vi vi phạm dân sự xảy ra, thường xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Hành vi vi phạm dân sự này không tồn tại trong bất kỳ một hợp đồng nào được giao kết trước đó giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.
Ví dụ: A đang lái xe lưu thông trên đường theo đúng quy định. Đến ngã tư giao thông, C lái xe trong tình trạng say rượu đã vượt đèn đỏ và đâm vào xe của A khi đang lưu thông qua ngã tư khiến xe của A bị hỏng nặng và A bị chấn thương.
Trong trường hợp này, A và C không quen biết nhau từ trước và không có bất kỳ hợp đồng nào được giao kết giữa hai người trước đó. Vì vậy, cả hai người đều không biết trước sự kiện tai nạn sẽ xảy ra. Trong đó, C tham gia giao thông trong tình trạng say rượu, không tỉnh táo đã vi phạm pháp luật về giao thông và hành vi của C đã xâm phạm tính mạng, sức khỏe và tài sản của A.
(ii) Hành vi vi phạm:
• Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: Đây là hành vi vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng được quy định cụ thể tại những điều khoản chế tài nhằm ràng buộc các bên thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận. Hành vi vi phạm chưa chắc đã xảy ra vì chỉ được quy định dưới hình thức quy ước chung được các bên giao kết hợp đồng thiết lập nhằm hạn chế và tránh vi phạm những hành vi đó. Có thể hiểu rằng bồi thường thiệt hại trong hợp đồng chỉ phát sinh do lỗi cố ý hoặc vô ý của người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng.
Ví dụ: Bên A và Bên B cùng giao kết Hợp đồng kinh tế có thỏa thuận điều khoản về việc bồi thường thiệt hại khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có thông báo bằng văn bản gửi cho bên còn lại.
Điều khoản này là chế tài nhằm ràng buộc các bên không được tự do đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trong thực tế, có thể hành vi vi phạm chế tài này không xảy ra và chế tài vẫn tồn tại dưới hình thức quy ước chung để các bên căn cứ vào đó để thực hiện đúng và hạn chế vi phạm hợp đồng. Điều khoản này sẽ phát sinh khi một bên cố ý hoặc vô ý đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thông báo trước cho bên còn lại. Đây cũng chính là căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại trong hợp đồng cho bên bị vi phạm.
• Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Là hành vi vi phạm những quy định của pháp luật do nhà nước ban hành tại các luật chuyên ngành khác nhau dẫn đến phát sinh thiệt hại.
Ví dụ: Tương tự ví dụ tại mục (ii) về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bên vi phạm tham gia giao thông trong tình trạng say rượu, không tỉnh táo đã vi phạm pháp luật về giao thông và hành vi của người này đã xâm phạm tính mạng, sức khỏe và tài sản của bên bị thiệt hại.
(iii) Phương thức thực hiện:
• Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: Các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại tại thời điểm giao kết hợp đồng (thể hiện tinh thần thỏa thuận của hợp đồng) hoặc có thể thỏa thuận lại mức bồi thường thiệt hại sau thời điểm hành vi vi phạm hợp đồng đã xảy ra. Trường hợp không có điều khoản chế tài trong hợp đồng thì sau khi thiệt hại xảy ra, các bên vẫn có thể thỏa thuận về mức thiệt hại cũng như phương thức bồi thường thiệt hại.
• Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Bên bị thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Vì các bên trong quan hệ trách nhiệm dân sự có thể không quen biết nhau và không biết trước việc gi sẽ xảy ra nên không thể tồn tại một thỏa thuận nào giữa các bên trước đó. Do đó, các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại tại thời điểm sau khi hành vi vi phạm dân sự xảy ra và gây thiệt hại, tổn thất.
(iv) Tính liên đới chịu trách nhiệm:
• Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: Trường hợp hợp đồng có điều khoản thỏa thuận các bên chịu trách nhiệm liên đới thì khi có thiệt hại xảy ra, các bên sẽ cùng liên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận.
Ví dụ: Trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh có quy định việc các bên cùng liên đới chịu trách nhiệm khi một hạng mục của công việc X bị thiệt hại. Trường hợp sự kiện thiệt hại diễn ra, các bên căn cứ quy định để có phương án xử lý và cùng bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận trong hợp đồng.
• Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Ví dụ: A lái xe máy lưu thông trên đường Quốc lộ. Do A phóng nhanh và vượt ẩu nên đã đâm vào bên trái xe ô tô của C đang đi làn ngược chiều và gây tại nạn làm B tử vong. Qua kết quả kiểm tra và kết luận, A và C đều có lỗi đối với thiệt hại về tính mạng của B nên cả A và C đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
(v) Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại:
• Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng: Bên bị thiệt hại có nghĩa vụ phải chứng minh thiệt hại cho yêu cầu bồi thường của mình bằng việc đưa ra các căn cứ chứng minh cho yêu cầu đó.
• Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Bên bị thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại. Người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra.
Từ những nội dung trên, có thể thấy bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng có những điểm giống và khác nhau cơ bản. Theo đó, tùy vào từng loại thiệt hại cụ thể mà việc áp dụng căn cứ pháp lý và các tiêu chí của việc bồi thường thiệt hại sẽ khác nhau.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Pháp luật quy định như thế nào về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng?”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị với các độc giả.
Trân trọng,