Một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp “đau đầu” trong quá trình thu hồi nợ là việc bên nợ tuy có đủ điều kiện nhưng lại phớt lờ hoặc không trả nợ. Khi đó chủ nợ sẽ phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Trong bài viết sau, TNTP sẽ đưa ra quan điểm về những việc chủ nợ có thể thực hiện khi bên nợ có điều kiện nhưng không trả nợ.
1. Trong trường hợp bên nợ là cá nhân
Nêu việc cho vay tiền, tài sản giữa doanh nghiệp và cá nhân là giao dịch dân sự không trái quy định của pháp luật thì trường hợp nếu bên nợ không có thái độ thiện chí thanh toán khi đến hạn, kể cả khi có đủ điều kiện thì doanh nghiệp có thể cân nhắc việc khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp như Tòa án hoặc Trung tâm trọng tài thương mại để yêu cầu các cơ quan này giải quyết theo quy định của pháp luật. Sau khi vụ việc đã được giải quyết và doanh nghiệp nhận được Phán quyết/ Bản án/Quyết định từ Tòa án hoặc Trung tâm trọng tài thương mại thì có thể tiến hành nộp Đơn đề nghị thi hành án để yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền áp dụng các biện pháp pháp lý để buộc bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ.
Ngoài ra, trường hợp bên nợ là cá nhân vay tiền nếu có đủ điều kiện, khả năng tài chính nhưng cố ý không trả nợ còn có khả năng bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự, nếu người nào vay mượn, thuê tài sản mà đến thời hạn trả đã thỏa thuận tuy có điều kiện nhưng cố ý không trả tiền, tài sản thì có thể bị coi là hành vi gian dối và tùy từng mức độ có thể bị khởi tố hình sự.
Như vậy, nếu doanh nghiệp gặp phải tình trạng bên nợ cá nhân không trả nợ kể cả khi có đủ điều kiện trả như trên hoàn toàn có thể cân nhắc phương án khởi kiện dân sự đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp doanh nghiệp cho rằng vụ việc có thể ở mức độ nghiêm trọng thì có thể gửi Đơn tố giác tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để thông báo về hành vi phạm tội của đối tượng.
Cơ quan cảnh sát điều tra khi nhận được tin báo, tố giác sẽ tiến hành các biện pháp điều tra, nếu đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự được tiến hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Trong trường hợp bên nợ là pháp nhân
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự chỉ áp dụng đối với cá nhân. Do đó, trong trường hợp khoản nợ phát sinh từ thỏa thuận/hợp đồng giữa hai bên đều là pháp nhân và bên nợ không có thái độ hợp tác để trả nợ dù có khả năng năng, điều kiện để thanh toán khoản nợ thì doanh nghiệp chỉ có thể nộp đơn khởi kiện đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi khởi kiện đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp cần nộp Đơn khởi kiện ghi rõ yêu cầu bên nợ thanh toán, kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình như Hợp đồng/thỏa thuận; Văn bản đối chiếu công nợ; Hóa đơn; Xác nhận thanh toán,… Trường hợp các tài liệu, chứng cứ doanh nghiệp cung cấp đủ điều kiện thụ lý vụ án thì Cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ tiến hành giải quyết vụ án và ban hành Phán quyết/ Bản án/Quyết định có hiệu lực pháp luật (nếu không bị kháng cáo/ kháng nghị hợp lệ).
Trường hợp sau khi đã có Phán quyết/ Bản án/Quyết định có hiệu lực pháp luật, doanh nghiệp có thể nộp Đơn đề nghị thi hành án đến Cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Khi đó, cơ quan thi hành án sẽ sử dụng quyền lực nhà nước để tiến hành các biện pháp thi hành án như : phong tỏa tài sản, tài khoản ngân hàng của bên nợ nếu bên nợ không thực hiện nghĩa vụ thi hành án đúng quy định của pháp luật ; cưỡng chế tài sản, tài khoản, hạn chế xuất cảnh đối với những người có nghĩa vụ để đảm bảo việc thi hành án,…Khi đó, việc bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho doanh nghiệp sẽ được đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trên đây là bài viết về chủ đề : “Phải làm gì khi bên nợ có điều kiện nhưng không trả nợ?” của TNTP. Mong rằng bài viết này có ích trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Trân trọng,