Hợp đồng xây dựng là văn bản thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Bảo lãnh tạm ứng là một trong những nội dung của Hợp đồng xây dựng, một hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng của các bên trong quan hệ xây dựng để nhà thầu thực hiện công tác chuẩn bị cho việc xây dựng công trình. Hình thức bảo đảm này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực xây dựng. Vì vậy, trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ làm rõ những vấn đề vể bảo lãnh tạm ứng Hợp đồng xây dựng để các doanh nghiệp dự án và các bạn đọc có thể tham khảo.
1. Bảo lãnh tạm ứng hợp đồng xây dựng là gì?
• Bảo lãnh tạm ứng là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Khoản 7 Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015.
• Theo Khoản 1 Điều 18 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (“NĐ 37”), tạm ứng hợp đồng xây dựng là khoản kinh phí mà bên giao thầu ứng trước không lãi suất cho bên nhận thầu để thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết trước khi triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng.
Như vậy, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng xây dựng là hình thức ràng buộc mang tính pháp lý để nhà thầu không vi phạm hợp đồng, không vi phạm tiến độ thực hiện hợp đồng và đảm bảo nhà thầu sử dụng khoản tiền tạm ứng đúng mục đích với thời gian tạm ứng bằng thời gian thực hiện hợp đồng.
2. Thời gian thực hiện việc tạm ứng hợp đồng xây dựng
• Căn cứ Khoản 2 Điều 18 NĐ 37, việc tạm ứng hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi hợp đồng xây dựng có hiệu lực.
• Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 6 NĐ 37, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng (đóng dấu nếu có) hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu (đối với hợp đồng có quy định vể bảo đảm thực hiện hợp đồng).
Có thể hiểu rằng thời điểm thực hiện tạm ứng hợp đồng là sau thời điểm hai bên ký kết hợp đồng hoặc sau thời điểm có hiệu lực được quy định cụ thể trong hợp đồng xây dựng. Ngoài ra, cần phải có kế hoạch giải phóng mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, đồng thời bên giao thầu đã nhận được bảo lãnh tạm ứng (nếu có) tướng ứng với giá trị của từng loại tiền mà các bên đã thỏa thuận.
3. Quy định về bảo lãnh tạm ứng hợp đồng
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 18 NĐ 37, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng được quy định như sau:
• Đối với hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 01 tỷ đồng, trước khi bên giao thầu thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho bên nhận thầu, bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị và loại tiền tương đương khoản tiền tạm ứng hợp đồng. Không bắt buộc phải bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đối với các hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng và các hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương trình mục tiêu.
Riêng hợp đồng đơn giản, quy mô nhỏ, chủ đầu tư xem xét quyết định việc thực hiện bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đảm bảo phù hợp với tính chất công việc của hợp đồng và giảm bớt thủ tục không cần thiết.
• Trường hợp bên nhận thầu là liên danh các nhà thầu thì từng thành viên trong liên danh phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng cho từng thành viên, trừ trường hợp các thành viên trong liên danh thỏa thuận để nhà thầu đứng đầu liên danh nộp bảo lãnh tạm ứng hợp đồng cho bên giao thầu.
• Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng. Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm dần tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa các bên.
Như vậy, có thể hiểu đơn giản như sau, đối với hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng lớn hơn 01 tỷ đồng, bên nhận thầu phải nộp bảo lãnh tạm ứng hợp đồng cho bên giao thầu, sau đó, bên giao thầu mới thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho bên nhận thầu. Đối với trường hợp bên nhận thầu là liên danh các nhà thầu, từng thành viên trong liên danh hoặc nhà thầu đứng đầu liên danh (theo thỏa thuận) nộp bảo lãnh tạm ứng hợp đồng cho bên giao thầu. Đối với các hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng thì không bắt buộc phải bảo lãnh tạm ứng hợp đồng.
Cuối cùng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng xây dựng là điều khoản quan trọng nhằm quy định và ràng buộc mang tính pháp lý giữa bên giao thầu và nhà thầu để đảm bảo việc các bên thực hiện đúng công việc xây dựng và khoản tạm ứng sẽ được sử dụng đúng mục đích. Bên giao thầu và nhà thầu cần nắm rõ và nhận thức tầm quan trọng của bảo lãnh tạm ứng trong hợp đồng xây dựng để công tác chuẩn bị cho việc xây dựng công trình được diễn ra thuận lợi.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về “Những vấn đề về bảo lãnh tạm ứng hợp đồng xây dựng”. Hy vọng bài viết này giúp ích các bạn đọc và các doanh nghiệp dự án, nhà thầu có quy hoạch xây dựng trong tương lai.
Trân trọng,