Hợp đồng mẫu được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực xây lắp như một công cụ chuẩn hóa nhằm giảm bớt thời gian và chi phí soạn thảo. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy việc sử dụng hợp đồng mẫu mà không được điều chỉnh phù hợp có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi và trách nhiệm của các bên. Qua bài viết này, TNTP gửi đến Qúy bạn đọc bài viết “Những vấn đề phổ biến khi sử dụng hợp đồng mẫu trong các dự án xây lắp”.
1. Hợp đồng mẫu trong dự án xây lắp là gì?
• Hợp đồng mẫu trong dự án xây lắp là loại hợp đồng được soạn thảo sẵn với các điều khoản, điều kiện tiêu chuẩn và áp dụng phổ biến cho nhiều dự án xây dựng khác nhau. Đây là một công cụ nhằm chuẩn hóa nội dung hợp đồng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tham gia.
• Hợp đồng mẫu thường được sử dụng như một khung tham chiếu, bao gồm các quy định cơ bản về quyền, nghĩa vụ, và trách nhiệm của các bên liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu chính, nhà thầu phụ, và các bên khác tham gia dự án.
2. Những vấn đề phổ biến thường gặp khi Các bên sử dụng hợp đồng mẫu trong dự án xây lắp
a. Không phù hợp với đặc thù của từng dự án
• Hợp đồng mẫu thường được xây dựng để áp dụng chung cho nhiều loại dự án mà không tính đến những đặc thù riêng biệt như quy mô, yêu cầu kỹ thuật hoặc điều kiện thi công thực tế. Chẳng hạn, các dự án lớn với yêu cầu kỹ thuật cao như cầu đường, nhà máy điện hoặc khu công nghiệp thường cần các điều khoản chi tiết về tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát chất lượng và nghiệm thu. Tuy nhiên, hợp đồng mẫu thường chỉ quy định chung chung, không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này.
• Ngoài ra, một số dự án xây dựng diễn ra trong điều kiện địa lý, khí hậu đặc thù hoặc chịu ảnh hưởng từ các quy định pháp luật địa phương. Nếu hợp đồng mẫu không được điều chỉnh để phù hợp, việc triển khai có thể gặp khó khăn, dẫn đến tranh chấp hoặc đình trệ dự án.
b. Quyền lợi và trách nhiệm các bên không được đảm bảo cân bằng
Hợp đồng mẫu thường do chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính – bên có ưu thế trong quá trình đàm phán – soạn thảo. Điều này dẫn đến việc các điều khoản có xu hướng thiên lệch, tập trung bảo vệ lợi ích của bên soạn thảo, trong khi nhà thầu phụ hoặc các đơn vị tham gia khác chịu thiệt thòi.
Chẳng hạn, một số hợp đồng mẫu quy định chủ đầu tư có quyền thay đổi thiết kế hoặc tiến độ mà không cần bồi thường, trong khi lại áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt về phạt vi phạm đối với nhà thầu. Điều này không chỉ gây mất cân bằng trong quan hệ hợp đồng mà còn làm tăng nguy cơ tranh chấp khi xảy ra các sự kiện ngoài ý muốn.
c. Điều khoản phạt vi phạm thiếu rõ ràng
Một vấn đề phổ biến trong các hợp đồng mẫu là điều khoản phạt vi phạm thường được quy định chung chung, không xác định rõ hành vi nào sẽ bị xem là vi phạm, mức phạt cụ thể là bao nhiêu và cơ chế áp dụng như thế nào.
Ví dụ, hợp đồng mẫu có thể chỉ quy định mức phạt vi phạm tiến độ là 0,1% giá trị hợp đồng mỗi ngày, nhưng không nêu rõ cách xác định thời gian trễ hoặc giá trị hợp đồng được tính trên tổng giá trị, giá trị còn lại hay giá trị bị vi phạm. Sự mơ hồ này thường dẫn đến tranh chấp, đặc biệt khi bên bị phạt cho rằng mức phạt không hợp lý hoặc bên yêu cầu phạt không thực hiện đúng quy trình.
d. Điều khoản bảo hành công trình thiếu cụ thể
Bảo hành là nội dung quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng công trình sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng mẫu không quy định rõ phạm vi bảo hành, quy trình thực hiện, thời gian cam kết hoặc chế tài khi không thực hiện bảo hành.
Một ví dụ điển hình là việc hợp đồng chỉ ghi thời gian bảo hành 12 tháng nhưng không xác định rõ các hạng mục nào thuộc phạm vi bảo hành hoặc cách xử lý khi phát hiện lỗi. Điều này gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu khi xảy ra sự cố, đặc biệt trong các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao hoặc sử dụng vật liệu đặc biệt.
e. Khó khăn khi điều chỉnh hợp đồng
Trong thực tế, các dự án xây lắp thường phát sinh nhiều thay đổi so với kế hoạch ban đầu, như điều chỉnh thiết kế, tiến độ hoặc chi phí. Tuy nhiên, hợp đồng mẫu thường không cung cấp cơ chế linh hoạt để thực hiện các điều chỉnh này, hoặc nếu có thì lại không rõ ràng, gây khó khăn khi áp dụng.
Chẳng hạn, một số hợp đồng mẫu quy định việc điều chỉnh chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của cả hai bên, nhưng không nêu rõ quy trình đàm phán, thời gian phản hồi hoặc trách nhiệm khi không đạt được thỏa thuận. Điều này khiến các bên mất nhiều thời gian để xử lý, làm chậm tiến độ dự án và gia tăng chi phí.
f. Điều khoản giải quyết tranh chấp không rõ ràng
Tranh chấp là rủi ro thường trực trong các dự án xây lắp, đặc biệt khi hợp đồng mẫu không quy định rõ ràng về phương thức và cơ quan giải quyết.
Nhiều hợp đồng mẫu xác định không rõ cơ quan giải quyết tranh chấp (tòa án hay trọng tài), không quy định ngôn ngữ và luật áp dụng. Điều này dẫn đến khi phát sinh tranh chấp thì việc giải quyết tranh chấp trở nên phức tạp, mất thời gian và chi phí.
3. Giải pháp giảm thiểu rủi ro khi sử dụng hợp đồng mẫu trong dự án xây lắp
a. Điều chỉnh hợp đồng mẫu theo nhu cầu thực tế
Hợp đồng mẫu thường được soạn thảo với nội dung mang tính chất chung chung, khó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cụ thể của từng dự án xây lắp. Chính vì vậy, việc rà soát và điều chỉnh hợp đồng mẫu là cần thiết để phù hợp với thực tế. Các bên cần kiểm tra kỹ các điều khoản trong hợp đồng nhằm phát hiện các nội dung không phù hợp hoặc có nguy cơ dẫn đến tranh chấp.
Ngoài ra, việc bổ sung hoặc sửa đổi các điều khoản liên quan đến thời gian thi công, chất lượng vật liệu, phương thức thanh toán, và trách nhiệm bảo hành là rất quan trọng. Những điều khoản này cần được quy định rõ ràng, minh bạch để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cả hai bên. Thông qua việc điều chỉnh hợp đồng mẫu, các bên sẽ giảm thiểu được những rủi ro tiềm ẩn và đảm bảo tính khả thi khi triển khai dự án.
b. Đăng ký Hợp đồng mẫu trong dự án xây lắp với cơ quan nhà nước
Căn cứ Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định 02/2012/QĐ-TTg được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 35/2015/QĐ-TTg thì Hợp đồng mẫu trong dự án xây lắp không thuộc danh mục các hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải đăng ký hợp đồng.
Tuy nhiên, Các bên có thể cân nhắc việc đăng ký hợp đồng mẫu đối với hợp đồng mẫu trong các dự án xây lắp là một giải pháp, nhưng không bắt buộc trong mọi trường hợp. Nếu dự án có giá trị lớn, liên quan đến vốn nhà nước, vốn ODA, hoặc chịu sự giám sát đặc biệt từ các cơ quan chức năng, việc đăng ký hợp đồng mẫu sẽ giúp đảm bảo nội dung hợp đồng phù hợp với quy định pháp luật. Ngoài ra, Hợp đồng mẫu đã đăng ký với cơ quan nhà nước sẽ tạo sự minh bạch và chuyên nghiệp, giúp xây dựng lòng tin với nhà thầu hoặc đối tác.
c. Tham vấn ý kiến luật sư hoặc chuyên gia pháp lý
Một giải pháp quan trọng khác để giảm thiểu rủi ro là tham vấn ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia pháp lý. Với chuyên môn và kinh nghiệm, các luật sư sẽ giúp rà soát nội dung hợp đồng, phát hiện những điều khoản bất lợi hoặc không tuân thủ quy định pháp luật.
Hơn nữa, luật sư hoặc chuyên gia pháp lý có thể hỗ trợ các bên trong quá trình đàm phán hợp đồng, giúp cân bằng lợi ích giữa các bên và giảm thiểu nguy cơ phát sinh tranh chấp. Đặc biệt, trong các dự án phức tạp hoặc có yếu tố nước ngoài, sự tham gia của chuyên gia pháp lý sẽ đảm bảo hợp đồng tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế và địa phương liên quan.
Hợp đồng mẫu mang lại nhiều lợi ích trong việc chuẩn hóa và tiết kiệm thời gian trong dự án xây lắp. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên, việc áp dụng hợp đồng mẫu cần được điều chỉnh phù hợp với từng dự án cụ thể. Sự tham gia của các chuyên gia pháp lý ngay từ giai đoạn soạn thảo và đàm phán là cần thiết để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo hiệu quả triển khai dự án.
Trên đây là bài viết “Những vấn đề phổ biến khi sử dụng hợp đồng mẫu trong dự án xây lắp” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.
Trân trọng,