Cùng với sự toàn cầu hóa của nền kinh tế và việc thiết lập các khung pháp lý song phương và đa phương về thương mại, hoạt động thương mại giữa các cá nhân và tổ chức đã vượt ra ngoài giới hạn địa lý của quốc gia để trở thành hoạt động quốc tế. Phương tiện pháp lý cơ bản để các cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động thương mại trong phạm vi quốc tế là hợp đồng thương mại quốc tế, trong đó bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

1. Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế hay có yếu tố nước ngoài, theo đó một bên (người bán) có nghĩa vụ giao hàng, chứng từ liên quan hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho bên kia (người mua) và người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng.

2. Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên thường có trụ sở thương mại ở các quốc gia khác nhau và/hoặc mang quốc tịch khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc, bên bán và bên mua không đặt trụ sở thương mại trong cùng một quốc gia. Trong trường hợp một bên có nhiều trụ sở thương mại, địa chỉ của chủ thể sẽ được xác định là trụ sở thương mại nào có liên quan chặt chẽ nhất đối với hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng đó. Nếu một bên không có trụ sở thương mại, việc xác định địa chỉ của chủ thể dựa vào nơi cư trú thường xuyên của họ.

3. Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Hàng hóa trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được vận chuyển qua biên giới từ nước của người bán đến nước của người mua hoặc đến nước thứ ba, đặc biệt khi hợp đồng được ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại đặt ở các quốc gia khác nhau. Trong một số trường hợp, hàng hóa có thể được vận chuyển từ nước khác mà không phải là nước của người bán đến nước của người mua. Ví dụ, bên mua có trụ sở tại Ấn Độ, bên bán có trụ sở tại Trung Quốc, bên bán đặt gia công hàng hóa tại Việt Nam, sau khi hàng hóa được sản xuất xong sẽ được giao trực tiếp từ Việt Nam đến Ấn Độ mà không cần phải qua Trung Quốc – nước của bên bán.

4. Đồng tiền dùng để thanh toán

Đồng tiền dùng để thanh toán giữa người bán và người mua có thể là ngoại tệ đối với một trong hai bên hoặc cả hai bên. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên có quyền tự do lựa chọn đồng tiền thanh toán, có thể là đồng tiền của quốc gia người bán, người mua hoặc của một quốc gia thứ ba. Tuy nhiên, trong trường hợp các doanh nghiệp tại Liên minh châu Âu ký kết hợp đồng thì Euro sẽ là đồng tiền chung được sử dụng cho cả hai bên và không được xem là ngoại tệ đối với bên nào.

5. Cơ quan giải quyết tranh chấp

Cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là Tòa án hoặc Trọng tài nước ngoài, tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên. Ngoài ra, tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể dẫn đến các tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan giải quyết tranh chấp, đặc biệt trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng, chi tiết về cơ quan giải quyết tranh chấp.

6. Pháp luật điều chỉnh hợp đồng

Pháp luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là pháp luật của quốc gia của bên bán hoặc quốc gia của bên mua hoặc quốc gia khác. Nguồn pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế rất đa dạng và phức tạp, bao gồm không chỉ pháp luật nước ngoài áp dụng cho một trong hai bên hoặc cả hai bên mà còn bao gồm các điều ước thương mại quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và án lệ.

7. Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Theo quy định tại Điều 11, 12 Công ước Viên 1980, Hợp đồng mua bán không cần phải được ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng lời khai của nhân chứng. Tuy nhiên, trường hợp một trong các bên trong quan hệ hợp đồng có trụ sở thương mại đặt ở nước là thành viên của Công ước mà nước đó đã tuyên bố bảo lưu điều khoản về hình thức của Hợp đồng thì các bên có thể không được áp dụng quy định về hình thức của hợp đồng quy định tại Công ước Viên 1980. Các bên sẽ áp dụng pháp luật nơi hợp đồng được giao kết hoặc pháp luật nơi cư trú của chủ thể để xác định hình thức của hợp đồng. Nhìn chung, hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với chính hợp đồng đó, hay nói cách khác là pháp luật điều chỉnh những vấn đề pháp lý của hợp đồng. Trong các trường hợp khác, hình thức của hợp đồng vẫn được coi là hợp pháp nếu phù hợp với pháp luật nơi ký kết hợp đồng. Đối với hợp đồng liên quan đến bất động sản thì hình thức của hợp đồng phải phù hợp với pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản.

Trên đây là bài viết “Những vấn đề cần lưu ý về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” mà TNTP gửi đến bài đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,