Với vai trò là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được áp dụng phổ biến trong hoạt động cho vay tài sản, biện pháp thế chấp không chỉ đóng vai trò trong việc nâng cao trách nhiệm thực hiện cam kết trả nợ của bên vay, mà còn phòng ngừa rủi ro liên quan đến việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Khi giao kết hợp đồng thế chấp tài sản, các bên, đặc biệt là bên nhận thế chấp phải kiểm tra kỹ lưỡng tính pháp lý của tài sản thế chấp. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích những nội dung cần lưu ý về tài sản thế chấp.
1. Một số loại tài sản thế chấp
• Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng thế chấp tài sản;
• Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
• Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ.
2. Các điều kiện cơ bản của tài sản thế chấp
Khi giao kết hợp đồng thế chấp tài sản, các bên, đặc biệt là bên nhận thế chấp cần kiểm tra các điều kiện cơ bản sau của tài sản thế chấp:
• Thứ nhất, bên thế chấp buộc phải là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản thế chấp, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu. Trong hầu hết các trường hợp, tài sản thế chấp không những phải thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp mà còn phải không có tranh chấp để giảm thiểu tối đa những rủi ro tiềm ẩn cho bên nhận thế chấp.
Trước khi giao kết hợp đồng thế chấp, bên thế chấp phải thông báo cho bên nhận thế chấp những hạn chế quyền đối với tài sản thế chấp. Tuy nhiên, bên thế chấp có thể không thông báo một cách trung thực hoặc cố ý che giấu tình trạng của tài sản, dẫn đến bên nhận thế chấp có thể phải chịu những rủi ro sau: tài sản không đúng với mô tả, tài sản có giá trị thấp hơn giá trị kê khai, tài sản thế chấp không thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp,… Do vậy, bên nhận thế chấp cần kiểm tra kỹ lưỡng về tài sản thế chấp như tình trạng thực tế của tài sản thế chấp, các giấy tờ thể hiện quyền sở hữu tài sản của bên thế chấp,…
• Thứ hai, tài sản thế chấp có thể chuyển giao được trong giao dịch dân sự. Hai yếu tố cơ bản để khẳng định một tài sản có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự là: tài sản không gắn với yếu tố nhân thân, và tài sản đó không thuộc diện bị pháp luật cấm (không thuộc danh mục tài sản bị cấm lưu thông hoặc có quyết định thu giữ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
3. Những nội dung khác về tài sản thế chấp
Việc sử dụng một tài sản nhất định làm tài sản thế chấp cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật như sau:
• Thứ nhất, trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
• Thứ hai, trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
• Thứ ba, trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
• Thứ tư, trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.
Trên đây là bài viết “Những nội dung cần lưu ý về tài sản thế chấp” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có nội dung cần trao đổi, bạn đọc vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng,