Khi các nhà đầu tư có mong muốn cùng đóng góp tài sản, công sức để kinh doanh, nhưng chưa sẵn sàng để thành lập một tổ chức kinh tế, các bên thường lựa chọn đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (hay còn gọi là hợp đồng BCC). Vậy đối với nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC cần lưu ý những nội dung gì? Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ phân tích những nội dung mà nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý.
1. Thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư
Nếu dự án đầu tư thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật. Theo đó, dự án đầu tư thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư là các dự án có tính chất, quy mô và sự ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, xã hội và môi trường cần được sự chấp thuận của Cơ quan có thẩm quyền như Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 30, Điều 31 và Điều 32 của Luật Đầu tư 2020). Sau khi nhận được sự chấp thuận của Cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư sẽ được cấp Giấy chứng đăng ký nhận đầu tư theo quy định Điều 38 Luật Đầu tư 2020.
2. Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
• Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức hợp đồng BBC tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) theo quy định của pháp luật.
• Đối với trường hợp thực hiện dự án đầu tư không thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư nộp hồ sơ xin cấp IRC tại Cơ quan đăng ký đầu tư. Trên cơ sở đó, Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ xem xét và cấp IRC cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ nộp đủ hồ sơ hợp lệ nếu dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
3. Thành lập ban điều phối
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 27 Luật Đầu tư, các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
4. Thành lập văn phòng điều hành
• Nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Địa điểm văn phòng điều hành do nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC quyết định theo yêu cầu thực hiện hợp đồng.
• Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC có con dấu; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.
• Để thành lập văn phòng điều hành, nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký thành lập tại Cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành (Điều 49 Luật Đầu tư 2020).
5. Chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành
• Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành, nhà đầu tư nước ngoài gửi hồ sơ thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành.
• Hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành bao gồm:
a) Quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành trong trường hợp văn phòng điều hành chấm dứt hoạt động trước thời hạn;
b) Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán;
c) Danh sách người lao động, quyền và lợi ích của người lao động đã được giải quyết;
d) Xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế;
đ) Xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội;
e) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành;
g) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
h) Bản sao hợp đồng BCC.
Trên đây là nội dung bài viết “Những nội dung cần lưu ý khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC tại Việt Nam” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.
Trân trọng,