Một trong những điều doanh nghiệp không mong muốn nhất trong quá trình thu hồi công nợ là việc bên nợ đã cam kết thanh toán nhưng không trả đúng hạn. Khi đó, ngoài việc tiến hành các biện pháp thu hồi cần thiết, chủ nợ cũng cần biết những lý do có thể dẫn đến việc chậm thanh toán của bên nợ để có thể tiến hành các giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi của mình. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra những lý do khiến bên nợ không thanh toán đúng hạn.
1. Bên nợ gặp khó khăn tài chính
Đây có lẽ là một lý do phổ biến nhất dẫn đến việc bên nợ không thanh toán đúng hạn, vì hoạt động kinh doanh nhằm mục đích đem lại lợi nhuận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường trước. Nếu bên nợ kinh doanh không đem lại lợi nhuận đủ lớn sau khi khấu trừ các chi phí cần thiết trong hoạt động kinh doanh của họ thì thường sẽ không có khả năng thanh toán các khoản nợ.
Các khó khăn tài chính có thể phát sinh từ rất nhiều lý do: Thiên tai, tranh chấp với các đối tác khác của bên nợ, bị xử phạt vì không thực hiện nghĩa vụ thuế đúng hạn. Thua lỗ do kinh doanh không đạt kết quả mong muốn,… Các lý do này dẫn đến việc bên nợ không có một khoản thu ổn định để tích lũy lâu dài phục vụ cho các hoạt động trả nợ. Khi đó, bên nợ sẽ thường chỉ đủ chi phí để duy trì hoạt động mà không có khả năng trả nợ.
Khi phát hiện bên nợ đang ở tình trạng khó khăn tài chính, doanh nghiệp nên xem xét về việc bên nợ có đủ khả năng tài chính để trả nợ hay không để tiến hành các biện pháp pháp lý phù hợp, vì trường hợp khó khăn tài chính có thể đẩy bên nợ xuống trạng thái mất khả năng thanh toán. Khi đó sẽ rất khó để có thể thu hồi lại khoản nợ của doanh nghiệp.
2. Bên nợ đang có quá nhiều khoản nợ cần thanh toán
Một bên nợ có thể phát sinh nhiều khoản nợ từ các chủ nợ khác nhau là điều bình thường trong hoạt động kinh doanh. Thông thường bên nợ sẽ phải cân đối chi phí để ưu tiên thanh toán cho chủ nợ mà bên nợ cảm thấy cần thanh toán nhất, các chủ nợ được ưu tiên thanh toán có thể bao gồm:
– Chủ nợ là một đối tác quan trọng của bên nợ
– Chủ nợ đã tiến hành các biện pháp thu hồi nợ gây bất lợi với bên nợ
– Chủ nợ gây áp lực lớn ảnh hưởng đến hoạt động của bên nợ
Ngược lại, các khoản nợ mà bên nợ thường cố gắng kéo dài nhất có thể bao gồm:
– Các khoản nợ mới (Dưới 6 tháng)
– Các khoản nợ quá nhỏ (dưới 10 triệu đồng)
– Các khoản nợ mà chủ nợ chưa yêu cầu thanh toán
– Các khoản nợ của chủ nợ là pháp nhân đã giải thể hoặc phá sản
Có thể thấy, việc bên nợ có nhiều khoản nợ là điều rất thông thường, tuy nhiên thứ tự ưu tiên thanh toán của bên nợ sẽ khác nhau tùy thuộc vào khoản nợ và các chủ nợ có quyết liệt thu hồi nợ hay không. Do đó trường hợp này để bên nợ có thể thanh toán đúng hạn, chủ nợ cần tiến hành các biện pháp thu hồi nợ cần thiết và quyết liệt để có thể gây áp lực buộc bên nợ phải thực hiện thanh toán đúng hạn.
3. Bên nợ mất khả năng thanh toán
Là trường hợp bên nợ do khó khăn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng duy trì hoạt động của mình. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không còn khả năng sinh lợi hoặc mất khả năng thanh toán. Đây là trường hợp xấu nhất khi thu hồi công nợ vì khi đó bên nợ không còn khả năng để thanh toán bất cứ khoản tiền nào cho doanh nghiệp.
Việc kinh doanh không đem lại lợi nhuận kéo dài hoặc một khủng hoảng xảy ra khiến bên nợ phải chịu lỗ không thể phục hồi thường đẩy bên nợ vào trạng thái mất khả năng thanh toán. Đây là lý do khiến chủ nợ luôn phải có động thái xem xét, kiểm tra và liên lạc với các bên nợ kê cả khi các bên nợ vẫn đang hoạt động ổn định để thăm dò khả năng thanh toán của họ, chuẩn bị cho các phương án cần thiết nếu bắt đầu thấy bên nợ có dấu hiệu mất khả năng thanh toán.
Đối với các bên nợ thuộc trường hợp này, chủ nợ cần nhanh chóng tiến hành việc khởi kiện đến các cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền để yêu cầu bên nợ thanh toán. Khi đã có Phán quyết, bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì kể cả khi bên nợ mất khả năng thanh toán, chủ nợ vẫn có thể nộp Đơn đề nghị thi hành án đến Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để yêu cầu Cơ quan thi hành án tiến hành việc cưỡng chế tài sản, tài khoản của bên nợ nhằm phục vụ quá trình thu hồi khoản nợ của mình. Khi đó, Cơ quan thi hành án sẽ tiến hành các hoạt động cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ.
Trên đây là bài viết về chủ đề: “Những lý do khiến bên nợ không thanh toán đúng hạn” của luật sư TNTP. Mong rằng bài viết này đem lại lợi ích cho doanh nghiệp trong hoạt động thu hồi công nợ.
Trân trọng