Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các tổ chức luôn cần có sự quản trị một cách thống nhất, rõ ràng để doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh đã đặt ra. Tuy nhiên có một hoạt động rất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp cũng cần được lưu ý là hoạt động quản trị công nợ. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về tầm quan trọng của hoạt động quản trị công nợ và những kinh nghiệm để quản trị công nợ trong doanh nghiệp.
1. Quản trị công nợ là gì
Quản trị là hoạt động điều hành, định hướng và quản lý các công việc để đạt được mục tiêu đã đề ra, tương tự với định nghĩa này, hoạt động quản trị công nợ bao gồm việc xác định mục tiêu của việc thu hồi nợ, lên kế hoạch thực hiện và quản lý hoạt động thu hồi nợ của doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
Nhiều quan điểm cho rằng quản trị và quản lý công nợ có sự tương đồng, tuy nhiên quản lý công nợ cũng chỉ là một giai đoạn của quản trị công nợ, vì toàn bộ quá trình quản trị công nợ được trải dài từ việc lên kế hoạch, định hướng, phân công, quản lý các khoản nợ một cách thống nhất, rõ ràng để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Nói cách khác, hoạt động quản trị công nợ cần thiết và quan trọng tương đương với quản trị kinh doanh của doanh nghiệp và đều nhằm mục đích duy trì lợi nhuận, dòng tiền và sự ổn định trong hoạt động của doanh nghiệp.
2. Các bước quản trị công nợ.
a) Xác định mục tiêu
Mục tiêu rõ ràng và quan trọng nhất của quản trị công nợ là kiểm soát, hạn chế nợ xấu và thu hồi nhanh chóng, hiệu quả công nợ của doanh nghiệp, vì bất cứ một khoản nợ nào cũng sẽ trở thành gánh nặng tài chính của doanh nghiệp. Nếu không có sự tổ chức, sắp xếp và xác định mục tiêu họ lý thì không thể xử lý nợ một cách hiệu quả.
Tuy mục tiêu quan trọng nhất của việc thu hồi nợ là buộc bên nợ phải thanh toán, cũng có những mục tiêu quan trọng không kém khác như duy trì mối quan hệ với các bên nợ để đảm bảo duy trì hoạt động ngay khi vẫn phát sinh nợ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ cần phân loại các khoản nợ theo các tiêu chí khác nhau để có thể thực hiện thu hồi nợ theo những mục tiêu khác nhau của quá trình quản trị công nợ.
b) Phân loại công nợ
Như đã đề cập ở trên, không phải bất cứ khoản nợ nào của doanh nghiệp cũng buộc phải thu hồi nhanh chóng vì một số bên nợ có thể là đối tác lâu năm hoặc đối tác chiến lược của doanh nghiệp. Khi đó mục tiêu duy trì và phát triển mối quan hệ sẵn có với các bên nợ này sẽ quan trọng hơn việc thu hồi nợ nhanh chóng nhưng có thể gây dẫn đến rạn nứt các mối quan hệ này. Do đó, để thực hiện quản trị công nợ hiệu quả, doanh nghiệp cần phân loại các khoản nợ thành các nhóm với các mục tiêu cụ thể khác nhau, ví dụ các bên nợ với thời gian phát sinh nợ lâu và không hợp tác thanh toán có thể được phân loại thành nhóm nợ xấu, với nhóm nợ xấu thì mục tiêu sẽ là thu hồi công nợ bằng mọi biện pháp được pháp luật cho phép một cách hiệu quả; còn với các bên nợ mà doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh và khoản nợ phát sinh của nhóm này có tỷ lệ không đáng kể nếu so với giá trị lợi nhuận đem lại cho doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp có thể phân loại bên nợ này thành nhóm nợ lưu ý và chỉ tiến hành việc trao đổi, thương lượng để thu hồi nợ với mục tiêu đảm bảo cả duy trì mối quan hệ và “nhắc nhở” về việc thanh toán nợ.
c) Quản lý hoạt động thu hồi nợ
Cũng như mọi hoạt động khác trong kinh doanh, hoạt động thu hồi nợ cũng cần được quản lý để đảm bảo mọi công việc phải được tiến hành hợp lý, đúng pháp luật và đem lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp. Việc quản lý thể hiện ở việc chỉ đạo, sắp xếp công việc, phân công công việc và giám sát các hoạt động thu hồi nợ được thực hiện theo đúng mục đích đã đề ra. Nếu không có sự quản lý tốt, hoạt động thu hồi nợ của doanh nghiệp sẽ tiến hành rất khó khăn do không thể nắm được tiến trình vụ việc, các công việc thu hồi nợ đã thực hiện, dẫn đến chất lượng thu hồi nợ không đảm bảo, gây lãng phí nhân lực và nguồn tiền của doanh nghiệp mà không đạt được mục đích đã đặt ra. Do đó, quản lý hoạt động thu hồi nợ là một yếu tố quan trọng của quản trị công nợ.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: Những kinh nghiệm để quản trị công nợ trong doanh nghiệp”. Mong rằng bài viết này sẽ đem lại giá trị cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Trân trọng,