Thu hồi nợ là một quá trình với nhiều giai đoạn khác nhau và với từng khoản nợ sẽ cần có các biện pháp khác nhau để thu hồi. Do đó, việc nhận biết các khoản nợ dễ và khó thu hồi sẽ giúp doanh nghiệp có thể quyết định lựa chọn phương án thu hồi nợ phù hợp. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về những khoản nợ được coi là khó thu hồi trong lĩnh vực xây dựng để doanh nghiệp có thêm góc nhìn về vấn đề này.
1. Khoản nợ đã phát sinh trong thời gian quá lâu
Một khoản nợ có thời gian phát sinh trên 12 tháng được coi là khó để thu hồi, vì trong suốt thời gian 12 tháng nếu bên nợ không thực hiện việc thanh toán đầy đủ thì sẽ có hai khả năng có thể xảy ra: (i) Bên nợ không có đủ khả năng trả nợ; và (ii) Bên nợ không hợp tác thanh toán khoản nợ. Cụ thể:
(i) Bên nợ không có đủ khả năng trả nợ
Khi bên nợ không có khả năng trả nợ thường do khả năng tài chính hiện tại không đảm bảo để thanh toán đầy đủ khoản nợ, hoặc do bên nợ đã ngừng hoạt động và hiện tại không phát sinh doanh thu nên không còn khả năng trả nợ. Nếu các khoản nợ của doanh nghiệp thuộc các trường hợp này thì khả năng thu hồi nợ sẽ rất thấp.
(ii) Bên nợ không hợp tác thanh toán khoản nợ
Đây là trường hợp thường gặp nhất khi bên nợ có thái độ không thiện chí, không hợp tác thanh toán khoản nợ. Theo đó, việc không hợp tác thể hiện ở việc bên nợ không thanh toán đúng hạn, không phản hồi yêu cầu thanh toán của doanh nghiệp, hoặc liên tục đưa ra lý do để chây ỳ việc thanh toán kể cả khi bên nợ vẫn có điều kiện trả nợ. Để có thể thu hồi các khoản nợ trong các trường hợp này, doanh nghiệp có thể tiến hành nộp đơn khởi kiện đến các cơ quan giải quyết tranh chấp để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật để đảm bảo khả năng thu hồi được khoản nợ.
Từ những nội dung trên, có thể thấy việc doanh nghiệp để khoản nợ phát sinh trên 12 tháng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rui ro trong quá trình thực hiện việc thu hồi nợ.
2. Bên nợ không còn khả năng tài chính, không còn hoạt động
Điều kiện quan trọng nhất để bên nợ có thể thanh toán khoản nợ là việc bên nợ phải còn nguồn tiền hoặc tài sản. Trong trường hợp bên nợ không còn tài sản hoặc không còn khả năng hoạt động thì bên nợ sẽ không thể thanh toán khoản nợ cho doanh nghiệp. Đây là lý do chính khiến doanh nghiệp phải luôn theo dõi hoạt động của bên nợ để triển khai các phương án cần thiết ngay khi phát hiện được dấu hiệu bất thường trong hoạt động của bên nợ.
Trong trường hợp bên nợ không còn hoạt động nhưng vẫn còn tài sản thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể khởi kiện để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành án với phần tài sản còn lại này. Tuy nhiên cần lưu ý rằng trong trường hợp bên nợ phát sinh rất nhiều khoản nợ với các chủ nợ khác thì khả năng doanh nghiệp có thể thu hồi lại khoản nợ là rất thấp.
3. Khoản nợ phát sinh từ giao dịch không có hợp đồng hoặc biên bản đối chiếu công nợ
Trong nhiều vụ việc, nếu doanh nghiệp và bên nợ có tiến hành các hoạt động mua bán hoặc dịch vụ nhưng không giao kết hợp đồng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về pháp lý và rất khó để có thể thu hồi nợ thành công vì hợp đồng, thỏa thuận là văn bản xác lập quan hệ dân sự và trực tiếp ràng buộc quyền, nghĩa vụ của các bên, cũng như xác định khoản nợ được phát sinh từ một quan hệ pháp luật hợp pháp. Nếu không có hợp đồng thì doanh nghiệp rất khó chứng minh giao dịch là có tồn tại, trường hợp doanh nghiệp tiến hành việc khởi kiện thì các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ rất khó để chấp nhận yêu cầu đòi nợ của doanh nghiệp trong một giao dịch không được thể hiện rõ ràng bằng văn bản.
Ngoài ra, một tài liệu rất quan trọng ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ là biên bản đối chiếu công nợ, đây là tài liệu xác định chính xác khoản nợ còn lại kèm theo xác nhận của bên nợ. Nếu các bên không tiến hành giao kết biên bản đối chiếu công nợ thì việc yêu cầu bên nợ thanh toán sẽ rất khó khăn trong trường hợp bên nợ không hợp tác, không thừa nhận khoản nợ dẫn đến vụ việc bị kéo dài khi doanh nghiệp phải chứng minh nghĩa vụ thanh toán của bên nợ.
Hợp đồng và Biên bản đối chiếu công nợ là hai tài liệu rất quan trọng để thực hiện các công việc thu hồi nợ, nên nếu trường hợp với các khoản nợ doanh nghiệp thể thu thập các văn bản này thì sẽ khiến khả năng thu hồi gặp khó khăn. Do đó, đối với các vụ việc mà doanh nghiệp không thể thu thập hợp đồng hoặc biên bản đối chiếu công nợ thì doanh nghiệp nên cân nhắc trước khi tiến hành việc khởi kiện bên nợ, vì nếu không có đủ căn cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình thì yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp sẽ khó có khả năng được các cơ quan giải quyết tranh chấp chấp nhận, trong khi đó doanh nghiệp sẽ phải chịu các chi phí liên quan và công sức, thời gian bỏ ra để theo đuổi vụ việc khó có khả năng thành công.
Trên đây là bài viết chia sẻ của luật sư TNTP về chủ đề: “Những khoản nợ khó thu hồi trong lĩnh vực xây dựng”. Mong rằng bài viết này sẽ đem lại giá trị cho các doanh nghiệp.
Trân trọng,