Trong một số bài viết trước của TNTP, hoạt động thu hồi nợ và dịch vụ đòi nợ đã được phân biệt rõ. Trong đó, hiện tại, việc thu hồi nợ vẫn được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chịu sự kiểm soát của quy định pháp luật và có giới hạn. Thu hồi nợ như thế nào thì hợp pháp? Như thế nào thì hành vi bị coi là bất hợp pháp? Những câu hỏi pháp lý trên sẽ được giải đáp trong bài viết “Những hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp”.
1. Công khai các hình ảnh, thông tin của bên nợ mà chưa có sự đồng ý của bên nợ là hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp
Khi bên nợ không trả nợ đúng hạn, chủ nợ thường lập tức công khai các hình ảnh, thông tin cá nhân như địa chỉ nơi ở, nơi làm việc, tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, căn cước công dân của bên nợ. Thậm chí, cả những hình ảnh, thông tin của gia đình, người thân bên nợ cũng bị chủ nợ công khai trên mạng xã hội hoặc ở nơi công cộng. Đáng chú ý là những hành động này đều không được sự đồng ý của bên nợ. Có thể coi hành động này là một trong những hành động phổ biến nhất của chủ nợ khi bên nợ không trả nợ đúng hạn.
Điều đáng buồn là hành vi này lại không được pháp luật cho phép. Đây chính là một hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp điển hình. Cụ thể, hành vi công khai hình ảnh, thông tin cá nhân của bên nợ được coi là tự ý phát tán thông tin cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tại Khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện tử, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” (“Nghị định 15”).
Không chỉ vậy, người phát tán thông tin mà chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông nếu đủ điều kiện cấu thành tội phạm.
2. Xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của bên nợ là hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp
Hành vi thứ hai cũng là một hành vi rất phổ biến là chủ nợ xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của bên nợ khi bên nợ không trả đúng hạn. Đây cũng là một hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp.
Chủ nợ nên lưu ý rằng, dù bên nợ đã vi phạm thỏa thuận dân sự nhưng điều đó không có nghĩa là chủ nợ có quyền lăng mạ, xúc phạm bên nợ. Trên thực tế, rất nhiều vụ án hình sự xuất phát từ việc chủ nợ chửi bới, dùng từ ngữ thô tục đối với bên nợ. Kết quả là chủ nợ vừa không thu hồi được nợ, vừa bị bên nợ tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của bên nợ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình” (“Nghị định 144”).
Ngoài ra, hành vi xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm bên nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác.
3. Gọi điện, liên hệ với những người quen của bên nợ để yêu cầu trả nợ thay cho bên nợ
Hành động gọi điện, liên hệ với những người quen, bạn bè, gia đình của bên nợ để yêu cầu họ trả nợ thay cho bên nợ là một hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp rất phổ biến của các công ty tài chính. Khi công ty tài chính không thể yêu cầu bên nợ trả nợ vì bên nợ không có khả năng trả, công ty tài chính lại liên hệ với những người có quen biết với bên nợ để yêu cầu họ trả nợ. Hành vi này đã bị cấm bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính” (“Thông tư 18”).
Về bản chất, bên nợ là bên duy nhất có nghĩa vụ trả nợ cho bên có quyền. Vì vậy, bên có quyền không được yêu cầu những người không liên quan trả nợ thay cho bên nợ. Nếu bên nợ muốn chuyển giao nghĩa vụ trả nợ thì cần phải có sự đồng ý của bên nợ, bên nhận chuyển giao nghĩa vụ và bên có quyền. Khi đó, bên có quyền mới có quyền yêu cầu bên nhận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ thay cho bên nợ.
4. Đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, phá hoại tài sản của bên nợ
Không chỉ trong hoạt động thu hồi nợ mà trong bất kỳ trường hợp nào, hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực hoặc phá hoại tài sản của người khác đều là bất hợp pháp. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp Chủ nợ thường bị mất kiểm soát cảm xúc và có những hành động quá khích như đập phá, chửi bới và sử dụng vũ lực để khiến bên nợ trả khoản nợ.
Hành động trên đã vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 12 Nghị định 144 vì sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng các biện pháp khác mà pháp luật không cho phép để tiến hành thu hồi nợ hoặc Điểm c Khoản 4 Điều 15 Nghị định 144 vì hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Ngoài ra, việc sử dụng vũ lực có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Cố ý gây thương tích nếu bên nợ có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên. Hành vi phá hoại tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nếu tài sản bị hư hỏng có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên.
5. Gọi điện giục trả nợ liên tục gây phiền nhiễu
Hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp cuối cùng là gọi điện giục trả nợ nhiều lần một ngày và không có giới hạn về khung thời gian. Đây cũng là một vi phạm phổ biến của các công ty tài chính. Các công ty thường xuyên liên hệ, làm phiền bên nợ ngay cả đêm khuya hay sáng sớm.
Hành vi này đã chính thức được quy định trong Khoản 7 Điều 1 Thông tư 18. Công ty tài chính chỉ được nhắc nợ tối đa 05 lần/01 ngày và thời gian nhắc nợ phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ. Việc nhắc nợ quá nhiều hoặc nằm ngoài khoảng thời gian quy định đều được coi là thu hồi nợ bất hợp pháp.
Trên đây là năm hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp phổ biến nhất mà chủ nợ cũng như các công ty tài chính hay mắc phải. Các chủ thể thu hồi nợ nên lưu ý tránh mắc phải những hành vi này để không “mất cả chì lẫn chài”. TNTP hy vọng bài viết này có ích với bạn.
Trân trọng,