Nhằm giúp bạn đọc có thêm những thông tin hữu ích về việc soạn thảo hợp đồng dịch vụ, TNTP sẽ phân tích một số điều khoản mà các bên cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng dịch vụ bao gồm thời hạn hoàn thành dịch vụ, quyền và nghĩa vụ của các bên, tiếp tục thực hiện hợp đồng và đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
1. Thời hạn hoàn thành dịch vụ
Các bên cần quy định cụ thể về thời hạn hoàn thành công việc, bởi lẽ đây sẽ là căn cứ để xác định việc bên cung ứng dịch vụ có vi phạm hợp đồng hay không. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể thì bên cung ứng dịch vụ phải hoàn thành dịch vụ trong một thời hạn hợp lý. Thời hạn này được xác định dựa trên các điều kiện và hoàn cảnh mà bên cung ứng dịch vụ biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng, bao gồm bất kỳ nhu cầu của khách hàng có liên quan đến thời gian hoàn thành dịch vụ.
Trường hợp một dịch vụ chỉ có thể được hoàn thành khi bên sử dụng hoặc bên cung ứng dịch vụ khác đáp ứng các điều kiện nhất định thì bên cung ứng dịch vụ đó không có nghĩa vụ hoàn thành dịch vụ của mình cho đến khi các điều kiện đó được đáp ứng. Do vậy, các bên nên thỏa thuận cụ thể về các điều kiện mà bên sử dụng dịch vụ hoặc bên cung ứng dịch vụ khác cần đáp ứng.
2. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ. Vì vậy, các bên trong hợp đồng đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Căn cứ vào tình hình thực tế, các bên tự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của mình. Các bên có thể tham khảo một số nội dung cơ bản về quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng và bên sử dụng như sau:
2.1. Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ
● Quyền: i) Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm như đã thỏa thuận; ii) Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Bên sử dụng nên thỏa thuận cụ thể các trường hợp được coi là bên cung ứng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng để làm căn cứ yêu cầu bên cung ứng phải chịu phạt vi phạm.
● Nghĩa vụ: i) Thanh toán tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ; ii) Cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan đến dịch vụ đối với hợp đồng dịch vụ mà cần phải có thông tin, tài liệu, phương tiện mới thực hiện được.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
● Quyền: i) Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ; ii) Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc; iii) Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ; iv) Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp giấy phép phục vụ cho việc triển khai dịch vụ; v) Được cảnh báo các sự kiện bất thường từ bên sử dụng dịch vụ.
● Nghĩa vụ: i) Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm như đã thỏa thuận; ii) Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ; iii) Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc; iv) Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc; v) Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định; vi) Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin; vii) Cảnh báo các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ; viii) Xây dựng các phương án thực hiện dịch vụ; ix) Điều chỉnh nội dung đã đàm phán trong trường hợp hợp đồng có sự thay đổi; x) Tập hợp thông tin trước khi thực hiện công việc.
3. Tiếp tục thực hiện hợp đồng
Điều 521 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng, “Sau khi kết thúc thời hạn thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ mà công việc chưa hoàn thành và bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, bên sử dụng dịch vụ biết nhưng không phản đối thì hợp đồng dịch vụ đương nhiên được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận cho đến khi công việc được hoàn thành.” Do vậy, bên sử dụng nên cân nhắc việc có quy định trong hợp đồng về việc bên cung ứng có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện công việc trong trường hợp công việc chưa hoàn thành và thời hạn thực hiện công việc kết thúc không. Trường hợp không đồng ý để bên cung ứng tiếp tục thực hiện hợp đồng, bên sử dụng nên quy định rõ về điều này trong hợp đồng.
4. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
Các bên nên cân nhắc thỏa thuận cụ thể các trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Các bên có thể tham khảo quy định tại Điều 520 Bộ luật Dân sự 2015, “Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Ngoài các điều khoản nêu trên, các bên có thể thỏa thuận thêm trong hợp đồng về điều khoản sự kiện bất khả kháng; điều khoản giải quyết tranh chấp; điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại;…
Trên đây là nội dung bài viết “Những điều khoản cần có trong hợp đồng dịch vụ” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.
Trân trọng,