Ngày 20/6/2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024 (“Luật BVQLNTD 2023”). Theo đó, luật sư của TNTP sẽ phân tích và làm rõ nhưng thay đổi đáng chú ý của Luật BVQLNTD 2023 trong bài viết này.
1. Những điểm nổi bật của Luật BVQLNTD 2023
Dưới đây là những điểm nổi bật đáng chú ý của Luật BVQLNTD 2023, cụ thể:
• Bổ sung thêm đối tượng áp dụng tại Điều 2 Luật BVQLNTD 2023;
• Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng tại tại Điều 4 Luật BVQLNTD 2023;
• Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương;
• Bổ sung các hành vi bị cấm tại Điều 10 Luật BVQLNTD 2023; và
• Về phương thức giải quyết tranh chấp.
2. Bổ sung thêm đối tượng áp dụng
Tại Điều 2 Luật BVQLNTD 2023 quy định về Đối tượng áp dụng có nội dung sau:
• Người tiêu dùng
• Tổ chức, cá nhân kinh doanh.
• Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị – xã hội
• Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức xã hội) tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
• Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật BVQLNTD 2023 bổ sung thêm đối tượng áp dụng, cụ thể: bổ sung nhóm chủ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị – xã hội; và làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Đây là những thay đổi đáng kể góp phần mở rộng các quan hệ xã hội được điều chỉnh của luật này.
3. Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng
• Luật BVQLNTD 2023 bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng tại Điều 4 như sau:
– Được quyền tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững.
– Quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh.
– Được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công theo quy định.
• Ngoài ra, Luật mới bổ sung một số nghĩa vụ của người tiêu dùng như:
– Tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật;
– Chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Các quy định bổ sung trên đã góp phần mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật, giờ đây quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ giới hạn trong hoạt động mua bán, sử dụng dịch vụ tư nhân ngoài nhà nước mà giờ đây cũng đã được đảm bảo ngay cả trong việc sử dụng dịch vụ công với các cơ quan có thẩm quyền.
4. Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương
• Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước và Chính phủ trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân.
• Luật BVQLNTD 2023 đã xác định rõ các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm:
– Người cao tuổi;
– Người khuyết tật;
– Trẻ em;
– Người dân tộc thiểu số;
– Người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
– Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
– Người bị bệnh hiểm nghèo và thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Các đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương giờ đã được quy định cụ thể và trở thành một đối tượng được ưu tiên hơn, Luật mới quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
5. Bổ sung các hành vi bị cấm tại Điều 10 Luật BVQLNTD 2023
Luật BVQLNTD 2023 bổ sung một số hành vi bị cấm, bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như:
• Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
• Cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
• Cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.
Các quy định này đã bắt kịp với thực trạng xã hội hiện nay khi nhiều đơn vị đã có những hành vi nhằm trục lợi hoặc đưa thông tin sai lệch nhằm sinh lợi trái pháp luật như sử dụng KOL (Key opinion leader) – những người nổi tiếng hoặc có sức ảnh hưởng trong xã hội nhằm tạo dư luận để quảng cáo, đưa ra lời khuyên để dẫn dắt người mua hàng không phù hợp với ý chí của họ. Hoặc thực trạng một số ngân hàng bắt buộc người vay tiền mua thêm các gói báo hiểm làm điều kiện để giải ngân các khoản vay đang là hiện trạng nhức nhối trong xã hội. Quy định trên đã đưa ra căn cứ và các điều kiện cụ thể làm cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và đảm bảo sự vận hành ổn định của xã hội.
6. Về phương thức giải quyết tranh chấp
• Luật BVQLNTD 2023 bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng hoặc quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm tại Điều 4 và Điều 56.
Phương thức này được đánh giá là sẽ nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
• Đối với phương thức giải quyết tại tòa: Hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn áp dụng để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
• Ngoài ra, Luật mới bổ sung quy định về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể như sau:
Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, Luật BVQLNTD 2023 được ban hành đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bước đầu kiến tạo các khung khổ, nền tảng pháp lý cơ bản cho sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Những điểm mới của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.
Trân trọng,