Tại Việt Nam, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng được nhiều các cá nhân, tổ chức lựa chọn vì các ưu thế của phương thức này như linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Những nguyên tắc trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã thể hiện bản chất và là kim chỉ nam xuyên suốt toàn bộ quá trình giải quyết. Bài viết này sẽ làm rõ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo pháp luật Việt Nam, từ đó làm rõ vai trò của trọng tài trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

1. Nguyên tắc các bên bình đẳng về quyền và nghĩa vụ

Nguyên tắc này là nguyên tắc đặc trưng của quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nguyên tắc này thể hiện nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Theo nguyên tắc này, các bên tranh chấp có quyền và nghĩa vụ tương đương nhau trong quá trình tố tụng. Các bên có quyền chỉ định trọng tài viên, yêu cầu thay đổi trọng tài viên khi có căn cứ theo quy định, lựa chọn địa điểm, đưa ra chứng cứ, trình bày yêu cầu, và phản biện trong các phiên xử, bất kể quốc tịch, vị trí pháp lý hay tình trạng kinh tế của họ.

2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai

Lý do mà các doanh nghiệp thường chọn trọng tài thay vì tòa án chính là do tính bảo mật cao. Theo Điều 4 Luật Trọng tài Thương mại 2010 (“LTTTM”), quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Bảo mật trong việc giải quyết tại trọng tài giúp các bên bảo vệ được các bí mật kinh doanh và thông tin nhạy cảm, đồng thời giữ gìn được uy tín của các bên. Việc giữ bí mật có vai trò đặc biệt quan trọng trong thương mại quốc tế bởi việc không giữ kín thông tin tranh chấp có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác và sự tin tưởng từ các khách hàng đa quốc gia.

3. Nguyên tắc trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội

Điều 5 LTTTM khẳng định vai trò của thỏa thuận trọng tài đối với sự hình thành của quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Theo đó, tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Ngoài ra, các bên được quyền thỏa thuận để lựa chọn nhiều nội dung như hình thức trọng tài (trọng tài quy chế hay trọng tài vụ việc), các trọng tài viên giải quyết tranh chấp, phạm vi yêu cầu đề nghị trọng tài giải quyết, địa điểm giải quyết tranh chấp,… Các bên có quyền hòa giải tại bất kỳ giao đoạn nào của quá trình tố tụng trọng tài.

4. Nguyên tắc Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật

LTTTM ghi nhận tính độc lập, khách quan, vô tư của Trọng tài viên là một trong những nguyên tắc cơ bản của quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Để đảm bảo nguyên tắc này được thực hiện, Điều 21 LTTTM quy định quyền và nghĩa vụ độc lập trong giải quyết tranh chấp của Trọng tài viên, bảo đảm giải quyết tranh chấp vô tư, nhanh chóng. Điều 42 LTTTM cũng xác định quyền được thay đổi Trọng tài viên trong trường hợp có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan.

5. Nguyên tắc Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên tranh chấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình

Việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài phát sinh từ sự thỏa thuận của các bên. Do vậy, ngoài thẩm quyền do pháp luật quy định, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài còn được xác định trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Do pháp luật ghi nhận trách nhiệm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên và quyền bình đẳng của các bên nên pháp luật cũng quy định về trách nhiệm của Hội đồng trọng tài trong việc tạo điều kiện để các bên tranh chấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Ví dụ, Điều 48 LTTTM ghi nhận nghĩa vụ của Hội đồng trọng tài trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của một trong các bên tranh chấp; thay đổi, bổ sung, hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời,…

6. Nguyên tắc phán quyết trọng tài là chung thẩm

Nguyên tắc này được cụ thể hóa tại Khoản 5 Điều 61 Luật TTTM, theo đó phán quyết trọng tài là chung thẩm và có giá trị kể từ ngày ban hành. Tính chung thẩm có thể được hiểu là phán quyết này không bị kháng cáo hay bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, pháp luật quy định cơ chế giám sát hoạt động xét xử của trọng tài. Việc tòa án có thẩm quyền xem xét hủy hay không hủy phán quyết của trọng tài được xem là một cơ chế giám sát hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Điều 68 LTTTM quy định cụ thể các trường hợp mà phán quyết trọng tài có thể bị Tòa án tuyên hủy.

Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã khẳng định vị trí quan trọng của mình trong hệ thống pháp luật thương mại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Việc áp dụng các nguyên tắc như tôn trọng quyền tự quyết của các bên, tôn trọng sự bình đẳng, tính bảo mật không chỉ đảm bảo tính hợp pháp mà còn tạo niềm tin cho các bên khi lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Trên đây là bài viết “Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,