Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) (“Nghị định 52/2024”) thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung). Nghị định 52/2024 là văn bản pháp lý quan trọng quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm: mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán. Nội dung cơ bản của Nghị định này như thế nào? Hãy cùng luật sư của TNTP tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này.
1. Những nội dung chính
Để phù hợp với xu thế hiện nay của xã hội, Nghị định 52/2024 có phạm vi điều chỉnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm:
(i) Bổ sung quy định về tiền điện tử;
(ii) Bổ sung quy định về thanh toán quốc tế;
(iii) Bổ sung trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt;
(iv) Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Chi tiết từng điểm nổi bật được nêu dưới đây.
2. Bổ sung quy định về tiền điện tử
• Theo Khoản 12 Điều 3 Nghị định 52/2024 về Giải thích từ ngữ, theo đó, Tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử.
• Theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 52/2024 về Ví điện tử, thẻ trả trước, Ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử.
• Đối tượng cung ứng tiền điện tử gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước), ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
Có thể thấy Nghị định 52/2024 đã quy định cụ thể hơn về khái niệm tiền điện tử, ví điện tử và đối tượng được phép cung ứng tiền điện tử. Người dân khi tham gia mở tài khoản ngân hàng tại các tổ chức tín dụng có thể làm thủ tục liên kết với dịch vụ ví điện tử mà tổ chức tín dụng cung cấp. Như vậy, người dân sẽ được ngăn ngừa và phòng tránh việc liên kết các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được cấp phép phát hành.
3. Bổ sung quy định về thanh toán quốc tế
• Khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2024 đã bổ sung quy định để làm rõ khái niệm thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quốc tế. Cụ thể: Thanh toán quốc tế là giao dịch thanh toán được thực hiện cho một bên liên quan là tổ chức hoặc cá nhân có tài khoản thanh toán hoặc phương tiện thanh toán phát hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
• Điều 5 Nghị định 52/2024 quy định về Thanh toán bằng ngoại tệ và thanh toán quốc tế (tức hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài), cụ thể:
(i) Thanh toán bằng ngoại tệ và thanh toán quốc tế phải tuân theo các quy định của Nghị định này, pháp luật về quản lý ngoại hối, bảo vệ dữ liệu người dùng, an ninh mạng, quản lý thuế, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thanh toán mà Việt Nam tham gia. Việc áp dụng tập quán thương mại thực hiện theo Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng.
(ii) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tham gia hệ thống thanh toán quốc tế sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định 52/2024.
(iii) Tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng là người không cư trú và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam để thực hiện giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam phải thực hiện thông qua ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tham gia hệ thống thanh toán quốc tế của tổ chức nước ngoài đó.
(iv) Tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính được kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế để thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 Nghị định 52/2024.
(v) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (trừ tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính) được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài; việc thực hiện thanh toán, quyết toán cho các giao dịch thanh toán quốc tế đó phải được thực hiện thông qua ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế.
(vi) Các bên liên quan đến hoạt động thanh toán quốc tế có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2024 cho thấy cơ quan quản lý nhà nước đang ngày càng nâng cao vai trò của các tổ chức tín dụng trong nước và đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các tổ chức tín dụng nước ngoài nhằm hỗ trợ người dân thanh toán quốc tế thuận tiện hơn. Đồng thời đây cũng là chính sách giúp kiểm soát hiệu quả dòng tiền ngoại hối để phòng tránh các hoạt động bảo vệ dữ liệu người dùng, an ninh mạng, quản lý thuế, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt xuyên quốc gia.
4. Bổ sung trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt
Theo Điều 11 Nghị định 52/2024, Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
(i) Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.
(ii) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
(iii) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
(iv) Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
5. Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt
Đối chiếu với Nghị định số 101/2012/NĐ-CP và Nghị định 80/2016/NĐ-CP, Điều 8 Nghị định 52/2024 đã bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể:
(i) Thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
(ii) Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
(iii) Tẩy xóa, thay đổi nội dung, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, làm giả Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
(iv) Ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
(v) Gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
(vi) Hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
(vii) Chủ tài khoản thanh toán có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng cung cấp thông tin hoặc cam kết không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cho các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật về giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Có thể thấy Nghị định 52/2024 đã đưa ra các quy định cụ thể về hành vi bị cấm trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, các quy định này đảm bảo việc phát hiện, xử lý và ngăn ngừa các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ thể trong các quan hệ xã hội liên quan. Đây cũng là một trong những thay đổi đáng chú ý của Nghị định 52/2024.
Trong bối cảnh công nghệ và công nghệ thông tin ngày càng phát triển cùng xu hướng hội nhập quốc tế, Nghị định 52/2024 được ban hành như một phương án giải quyết những vướng mắc về thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo cho người dân được thanh toán an toàn và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Nghị định số 52/2024/NĐ-CP có những điểm mới nổi bật gì?” Hy vọng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả trong hoạt động kinh doanh và trong cuộc sống.
Trân trọng,