Skip to main content

Nghị định số 117/2025/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ và cá nhân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117/2025/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ và cá nhân. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 (“Nghị định 117”). Sự ra đời của Nghị định này được xem là bước đi quan trọng trong việc siết chặt công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến, đồng thời đảm bảo công bằng nghĩa vụ thuế giữa các chủ thể kinh doanh truyền thống và kinh doanh trên nền tảng số. Nhằm giúp Quý độc giả kịp thời nắm bắt những thay đổi quan trọng và tuân thủ đúng quy định pháp luật, Chi nhánh Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các cộng sự (“TNTP”) trân trọng gửi đến một số nội dung nổi bật của Nghị định này.

Nội dung cơ bản của Nghị định 117:

1. Đối tượng áp dụng của Nghị định 117

Căn cứ Điều 2 Nghị định 117 quy định áp dụng đối với những đối tượng sau:

a. Tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, tổ chức là nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán và các tổ chức có hoạt dộng kinh tế số khác thuộc đổi tượng khấu trừ, nộp thuế thay.
b. Hộ, cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tứ, nền tảng số.
c. Cơ quan quản lý thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Việc khấu trừ, nộp thuế thay đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số theo Nghị định 117

Căn cứ tại Điểu 4 Nghị định 117 quy định về khấu trừ, nộp thuế thay, theo đó, Điều 4 quy định trực tiếp về (1) trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử và (2) trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử, cụ thể như sau:

a. Về trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế giá trị gia tăng (VAT)

• Các tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử – bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài, cụ thể là: Chủ sở hữu trực tiếp điều hành nền tảng thương mại điện tử, hoặc Người được ủy quyền quản lý nền tảng thương mại điện tử sẽ thuộc đối tượng phải khấu trừ và nộp thay thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hộ và cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng.

• Điều kiện phát sinh nghĩa vụ thuế: Khi có giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua nền tảng thương mại điện tử và giao dịch này phát sinh doanh thu tại Việt Nam, thì tổ chức quản lý nền tảng phải thực hiện khấu trừ và nộp VAT thay cho hộ/cá nhân kinh doanh.

b. Về trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử (cả trong nước và ngoài nước, như đã nêu ở trên) cũng phải thực hiện khấu trừ và nộp thay thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong các trường hợp sau:

• Đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam: Tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử Phải khấu trừ và nộp thay TNCN cho các cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh qua nền tảng. Tức là: Dù giao dịch diễn ra ở trong nước hay ngoài nước, nếu người bán là cá nhân cư trú thì tổ chức quản lý nền tảng vẫn phải khấu trừ và nộp thay thuế TNCN cho họ.

• Đối với cá nhân không cư trú tại Việt Nam: Tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử cũng phải thực hiện trách nhiệm khấu trừ và nộp thay TNCN đối với các giao dịch của cá nhân không cư trú có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ qua nền tảng, tuy nhiên trách nhiệm này chỉ chỉ áp dụng đối với các giao dịch phát sinh doanh thu tại Việt Nam. Tức là: Nếu người bán là cá nhân không cư trú và có doanh thu phát sinh tại Việt Nam, thì tổ chức nền tảng cũng phải khấu trừ và nộp thay thuế TNCN theo quy định.

Như vậy, quy định tại Điều 4 Nghị định 117 đã làm rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử – cả trong nước và nước ngoài – trong việc khấu trừ và nộp thay thuế VAT và thuế TNCN cho hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng. Việc áp dụng cơ chế khấu trừ, nộp thuế thay không chỉ giúp cơ quan thuế kiểm soát tốt hơn nguồn thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh trực tuyến, mà còn giảm bớt gánh nặng kê khai, nộp thuế trực tiếp cho hộ, cá nhân.

3. Thời điểm thực hiện khấu trừ, xác định số thuế phải khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số theo Nghị định 117

Căn cứ tại Điểu 5 Nghị định 117 quy định về thời điểm thực hiện khấu trừ, xác định số thuế phải khấu trừ, cụ thể như sau:

a. Thời điểm thực hiện khấu trừ thuế

Theo quy định của Nghị định 117, các tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử (bao gồm cả trong và ngoài nước) sẽ phải thực hiện khấu trừ thuế ngay tại thời điểm xác nhận giao dịch thành công và chấp nhận thanh toán.

Nói cách khác, ngay khi hộ, cá nhân bán được hàng hoặc cung cấp dịch vụ thành công trên nền tảng và được xác nhận thanh toán, nền tảng sẽ tự động khấu trừ thuế VAT và/hoặc thuế TNCN trước khi chuyển khoản thanh toán cho người bán.

b. Cách xác định số thuế phải khấu trừ

Số thuế giá trị gia tăng, số thuế thu nhập cá nhân phải thực hiện khấu trừ được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu của mỗi giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, cụ thể như sau:

• Thuế giá trị gia tăng (VAT): Tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng như sau:

– Hàng hóa: tỷ lệ khấu trừ VAT trên doanh thu là 1%;
– Dịch vụ: tỷ lệ khấu trừ VAT trên doanh thu là 5%;
– Vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa: tỷ lệ khấu trừ VAT trên doanh thu là 3%.

• Thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Áp dụng theo Luật Thuế TNCN và phân loại theo tình trạng cư trú của người bán

– Đối với cá nhân cư trú: Hàng hóa: 0,5%; dịch vụ: 2%; vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa: 1,5%.
– Đối với cá nhân không cư trú: Hàng hóa: 1%; dịch vụ: 5%; vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa: 2%.

• Trường hợp không xác định được loại giao dịch

Trường hợp các tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử thuộc đối tượng khấu trừ, nộp thay không xác định được giao dịch phát sinh doanh thu từ nền tảng thương mại điện tử là hàng hóa hay dịch vụ hoặc loại dịch vụ thì việc xác định số thuế phải khấu trừ thực hiện theo mức tỷ lệ % cao nhất.

• Doanh thu làm căn cứ tính thuế

Doanh thu để tính số thuế phải khấu trừ là toàn bộ số tiền bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ mà hộ, cá nhân được hưởng, do tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử thu hộ từ khách hàng mua.

Như vậy, quy định tại Điều 5 Nghị định 117 đã xác lập rõ ràng thời điểm khấu trừ thuế là ngay khi giao dịch được xác nhận thành công và chấp nhận thanh toán, đảm bảo việc thu thuế kịp thời, minh bạch.

4. Cách thức kê khai và nộp số thuế đã khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số theo Nghị định 117

Căn cứ Điều 6 Nghị định 117 quy định về cách thức kê khai và nộp số thuế đã khấu trừ như sau:

a. Về kê khai thuế đã khấu trừ: Các tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử (bao gồm cả trong và ngoài nước) có trách nhiệm thực hiện kê khai số thuế đã khấu trừ theo tháng.

b. Về xử lý giao dịch bị hủy hoặc trả lại hàng:

Trong trường hợp giao dịch bị hủy hoặc hàng hóa/dịch vụ bị trả lại, dẫn đến việc hộ, cá nhân không còn doanh thu thực tế, tổ chức nền tảng sẽ được phép điều chỉnh số thuế đã khấu trừ, nộp thay như sau: Số thuế đã khấu trừ của giao dịch bị hủy hoặc trả lại sẽ được bù trừ vào số thuế phải khấu trừ, nộp thay của các giao dịch khác trong kỳ kê khai.

c. Cách xác định số thuế nộp thay:

Số thuế mà tổ chức nền tảng phải nộp thay cho hộ, cá nhân trong kỳ kê khai được tính bằng tổng thuế của các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ thành công trừ đi tổng thuế của các giao dịch bị hủy hoặc trả lại hàng (nếu có).

Như vậy, Quy định tại Điều 6 Nghị định 117/2025/NĐ-CP đã thiết lập cơ chế kê khai và điều chỉnh thuế đối với các tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử.

5. Trách nhiệm của hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thưong mại điện tử theo Nghị định 117

a. Trách nhiệm của hộ, cá nhân tự kê khai, nộp một số loại thuế đặc thù

Nghị định 117 đã quy định, hộ, cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử có trách nhiệm kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên và các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.

b. Trách nhiệm hộ, cá nhân cung cấp thông tin định danh

Hộ, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin định danh cho tổ chức quản lý nền tảng, nhằm phục vụ việc kê khai và nộp thuế thay. Cụ thể:

• Công dân Việt Nam: cung cấp mã số thuế hoặc số định danh cá nhân;
• Người nước ngoài: cung cấp số hộ chiếu hoặc thông tin định danh được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp;
• Đồng thời cung cấp các thông tin bắt buộc theo quy định của pháp luật thương mại điện tử (ví dụ: tên, địa chỉ, phương thức thanh toán…).

c. Miễn khai, nộp thuế nếu đã được khấu trừ, nộp thay

Hộ, cá nhân đã được tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử khấu trừ, kê khai, nộp thay số thuế giá trị gia tăng, số thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Nghị định này thì không phải khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đã khấu trừ, nộp thuế thay.

Như vậy, nghị định 117 đã xác định rõ trách nhiệm thuế của hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Nghị định 117 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và nền tảng số, đặc biệt đối với hộ và cá nhân đang kinh doanh. Chúng tôi hy vọng bài viết trên giúp ích cho Quý bạn đọc.

Trân trọng.

Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự

  • Văn phòng tại Hồ Chí Minh:
    Phòng 1901, Tầng 19 Tòa nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng tại Hà Nội:
    Số 2, Ngõ 308 Tây Sơn, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com


    Bản quyền thuộc về: Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự