Vào ngày 26/11/2024, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Công chứng 2024. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 và quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, hoạt động công chứng, thủ tục công chứng cũng như quản lý nhà nước đối với công chứng, đặc biệt trong môi trường số. Thông qua bài viết này, TNTP sẽ đem đến cho người đọc các điểm mới đáng chú ý của Luật Công chứng 2024.

1. Quy định về công chứng điện tử

Nhằm đáp ứng xu hướng chuyển đổi số và đảm bảo sự thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, Luật Công chứng 2024 đã bổ sung các quy định về công chứng điện tử. Theo đó, Điều 63 Luật Công chứng 2024 đã quy định các điều kiện công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng cần đáp ứng để cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, bao gồm:

● Đối với công chứng viên:

– Có tài khoản để thực hiện công chứng điện tử;

– Có chữ ký số và sử dụng dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

● Đối với tổ chức hành nghề công chứng:

– Có tài khoản để thực hiện công chứng điện tử;

– Có chữ ký số và sử dụng dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử;

– Có đủ trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công chứng điện tử.

Bên cạnh đó, Điều 65 Luật Công chứng 2024 đã quy định các hình thức thực hiện công chứng điện tử, giúp người dân linh hoạt lựa chọn hình thức phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình, bao gồm:

– Công chứng điện tử trực tiếp là hình thức công chứng, theo đó người yêu cầu công chứng thực hiện giao kết giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên. Sau đó, công chứng viên cùng tổ chức hành nghề công chứng xác nhận và chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số, qua đó tạo lập văn bản công chứng điện tử có giá trị pháp lý.

– Công chứng điện tử trực tuyến là hình thức công chứng, theo đó các bên tham gia giao dịch không có mặt tại cùng một địa điểm mà thực hiện giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên. Công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng xác nhận và chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số, đảm bảo tính xác thực và hợp pháp của văn bản công chứng điện tử được tạo lập.

2. Công chứng viên

Luật Công chứng 2024 đã đưa ra một số điểm mới quan trọng như sau:

2.1 Giảm thời gian công tác pháp luật

Theo quy định của Luật Công chứng 2014, công chứng viên phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực pháp luật tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã được cấp bằng cử nhân luật. Trong khi đó, Luật Công chứng 2024 rút ngắn thời gian công tác xuống còn 03 năm sau khi có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật.

2.2 Bắt buộc tham gia khóa đào tạo nghề công chứng

Căn cứ Khoản 5 Điều 10, Khoản 2, Khoản 3 Điều 11 Luật Công chứng 2024, các quy định liên quan đến các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng đã được bãi bỏ. Theo đó, một trong những điều kiện bắt buộc để trở thành công chứng viên là các cá nhân phải tham gia và hoàn thành khóa đào tạo nghề công chứng trong 12 tháng. Tuy nhiên, một số đối tượng nhất định sẽ được rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 06 tháng, bao gồm:

– Người đã có thời gian từ đủ 05 năm trở lên làm thẩm phán; kiểm sát viên; điều tra viên; thẩm tra viên chính ngành Tòa án; chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự; kiểm tra viên chính ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng II; thanh tra viên chính ngành tư pháp; chuyên viên chính, pháp chế viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật;

– Thừa phát lại, luật sư, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 05 năm trở lên;

– Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sĩ luật;

– Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án; chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; trợ giúp viên pháp lý hạng I; thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; chuyên viên cao cấp, pháp chế viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

2.3 Giới hạn độ tuổi của công chứng viên

Nếu như Luật Công chứng 2014 không quy định giới hạn độ tuổi hành nghề đối với công chứng viên thì Luật Công chứng 2024 đã đặt ra giới hạn này ở mức 70 tuổi. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 10 và Khoản 1 Điều 16 Luật Công chứng 2024, một trong những điều kiện để được bổ nhiệm công chứng viên là không quá 70 tuổi, đồng thời công chứng viên sẽ đương nhiên bị miễn nhiệm khi vượt quá độ tuổi này.

Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 76 Luật Công chứng 2024 đã quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với công chứng viên đang ở độ tuổi 70 như sau: Công chứng viên trên 70 tuổi, nếu đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực, được tiếp tục hành nghề trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực. Đối với công chứng viên từ đủ 68 đến đủ 70 tuổi tại thời điểm Luật có hiệu lực, họ được tiếp tục hành nghề công chứng cho đến khi đủ 72 tuổi. Khi hết thời hạn nêu trên, công chứng viên sẽ đương nhiên bị miễn nhiệm.

3. Loại bỏ việc công chứng bản dịch

Theo quy định mới tại Luật Công chứng 2024, các văn bản dịch thuật từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt cũng như từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài không cần thực hiện thủ tục công chứng bản dịch mà chỉ cần chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định về chứng thực. Cụ thể, Luật Công chứng 2024 đã loại bỏ điều khoản về công chứng bản dịch và Điểm c Khoản 1 Điều 18 quy định về quyền của công chứng viên đã quy định: “Được công chứng giao dịch theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực”.

4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng

• Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng, Luật Công chứng 2024 có quy định chi tiết hơn về trách nhiệm bồi thường khi tổ chức hành nghề công chứng chuyển đổi, hợp nhất hoặc sáp nhập. Cụ thể, tổ chức hành nghề công chứng kế thừa sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thay cho tổ chức tiền nhiệm. Trong trường hợp tổ chức hành nghề công chứng bị giải thể hoặc chấm dứt hoạt động, công chứng viên hoặc nhân viên gây thiệt hại phải tự chịu trách nhiệm bồi thường, ngay cả khi họ không còn làm việc tại tổ chức đó. Trong khi đó, Luật Công chứng 2014 không quy định rõ về trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp tổ chức hành nghề công chứng bị giải thể hoặc sáp nhập, dẫn đến khoảng trống pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại.

• Luật Công chứng 2014 mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng đối với thiệt hại do lỗi của công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên. Tuy nhiên, Luật Công chứng 2024 không đề cập đến trách nhiệm của người phiên dịch trong hoạt động công chứng, làm thay đổi phạm vi chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường so với quy định trước đó. Bên cạnh đó, Luật Công chứng 2024 cũng quy định rõ hơn về nghĩa vụ hoàn trả của công chứng viên, nhân viên gây thiệt hại. Dù họ có còn làm việc tại tổ chức hành nghề công chứng hay không, họ vẫn phải hoàn trả số tiền tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Trong khi đó, Luật Công chứng 2014 không có quy định cụ thể về nghĩa vụ hoàn trả trong trường hợp công chứng viên, nhân viên đã chấm dứt hợp đồng lao động.

Luật Công chứng 2024 có nhiều điểm mới quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và bảo đảm tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chứng viên. Trong đó, việc bổ sung quy định về công chứng điện tử giúp tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch, trong khi các điều chỉnh về điều kiện hành nghề công chứng viên góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên. Điều này cho thấy Nhà nước đã từng bước hiện đại hóa hệ thống công chứng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thúc đẩy môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả hơn.

Trân trọng,