Trong các biện pháp để thu hồi nợ, việc khởi kiện gần như là phương án cuối cùng mà chủ nợ nên thực hiện nếu việc thương lượng không còn hiệu quả và bên nợ không còn hợp tác để thanh toán. Khi đó, trường hợp Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp thì mục đích cuối cùng của chủ nợ thường hướng đến việc xét xử để Tòa án ban hành Bản án có hiệu lực nhằm chuyển sang giai đoạn thi hành án. Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc kiên quyết đến cùng để đưa vụ án ra xét xử không những không thuận lợi để thi hành án mà còn khiến vụ việc kéo dài. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về việc khởi kiện thu hồi nợ có luôn cần đi đến xét xử hay không?

1. Giai đoạn khởi kiện

Theo quy định của pháp luật, trường hợp các bên có tranh chấp phát sinh nhưng không thể tự hòa giải có quyền yêu cầu Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo luật định. Việc lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp có thể được thể hiện tại Hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên.

Việc khởi kiện được bắt đầu khi Tòa án nhận được Đơn khởi kiện của Nguyên đơn và phân công thẩm phán giải quyết vụ việc theo thủ tục tại Bộ luật Tố tụng Dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Nguyên đơn sẽ phải đóng án phí (nếu thuộc trường hợp phải đóng án phí) và nộp các tài liệu bổ sung nếu tòa có yêu cầu, ngoài ra Nguyên đơn phải tham gia các phiên họp, phiên hòa giải và phiên tòa theo thủ tục tố tụng.

Việc xét xử sẽ được tiến hành nếu các bên không thể hòa giải và Tòa án sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án, Bản án sẽ được ban hành sau khi kết thúc phiên tòa xét xử. Nếu bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì sẽ có hiệu lực pháp luật và có giá trị để thi hành án.

2. Khởi kiện thu hồi nợ có luôn cần đi đến xét xử?

Theo đúng thủ tục tố tụng dân sự, quá trình xét xử là giai đoạn cuối cùng để ban hành Bản án. Tuy nhiên liệu trong mọi trường hợp, việc đi đến giai đoạn xét xử có phải lựa chọn tối ưu cho các bên để giải quyết khoản nợ hay không? Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này, TNTP cho rằng nhiều trường hợp có thể giải quyết vụ việc mà không cần đi đến xét xử tại Tòa án. Cụ thể:

a) Kết thúc vụ việc tại giai đoạn hòa giải

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, khi khởi kiện tại Tòa án thì các bên vẫn có quyền hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nếu các bên có thể cùng thống nhất một nội dung phù hợp để giải quyết tranh chấp thì Tòa án sẽ ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có giá trị như bản án và sẽ có hiệu lực pháp lý ngay sau khi ban hành, đồng thời chỉ có thể kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Như vậy có thể hiểu, từ khi chủ nợ nộp đơn khởi kiện đến trước khi xét xử thì các bên hoàn toàn có quyền tự thỏa thuận với nhau để giải quyết khoản nợ. Trường hợp chủ nợ có thể cân nhắc đồng ý với đề xuất thanh toán của bên nợ thì hoàn toàn có quyền xem xét để yêu cầu Tòa án ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự để giải quyết nhanh chóng vụ việc.

b) Lợi thế của Quyết định công nhận sự thỏa thuận so với Bản án.

• Về thời gian có hiệu lực pháp luật

So với Bản án sơ thẩm, Quyết định công nhận sự thỏa thuận có thời gian có hiệu lực pháp luật nhanh hơn, cụ thể: Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật nếu sau 15 ngày kể từ khi tuyên án mà không bị kháng cáo, kháng nghị. Còn đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận thì sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành.

Thời điểm có hiệu lực pháp lý có giá trị rất quan trọng, vì kể từ thời điểm quyết định/bản án có hiệu lực thì chủ nợ mới có quyền đề nghị thi hành án đối với bên nợ. Khi đó cơ quan thi hành án nhân danh quyền lực nhà nước mới có quyền tiến hành các biện pháp cưỡng chế để thu hồi khoản nợ. Việc thời điểm có hiệu lực pháp lý kéo dài có thể tạo điều kiện cho bên nợ kháng cáo, kháng nghị nhằm trì hoãn việc giải quyết vụ việc.

• Về việc kháng cáo, kháng nghị

– Bản án sơ thẩm sẽ có thời hạn kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án.

– Còn đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận, khi hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Như vậy, có thể thấy việc kháng cáo, kháng nghị của Bản án sơ thẩm sẽ dễ thực hiện hơn so với việc kháng cáo, kháng nghị Quyết định công nhận sự thỏa thuận vì thời gian kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm là 15 ngày, còn đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận, nếu sau 07 ngày kể từ khi các bên đồng ý với nội dung Biên bản hòa giải thành thì Tòa án sẽ ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận có hiệu lực pháp luật ngay. Việc kháng nghị Quyết định công nhận sự thỏa thuận được tiến hành theo thủ tục Giám đốc thẩm, tức là chỉ có thể kháng cáo, kháng nghị nếu có đủ các căn cứ, điều kiện để kháng nghị Giám đốc thẩm. Thông thường, việc có thể được xem xét kháng nghị Giám đốc thẩm không đơn giản và mất rất nhiều thời gian, cũng như tốn kém về chi phí nên không nhiều bên sẵn sàng tiến hành việc kháng nghị đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận.

Từ những nội dung trên, có thể thấy không phải lúc nào việc đi đến xét xử cũng đem lại lợi thế khi khởi kiện để thu hồi nợ. Việc hòa giải cũng là một phương án tiết kiệm và hiệu quả để các chủ nợ xem xét nếu điều kiện của vụ việc cho phép.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Kinh nghiệm thu hồi nợ: Khởi kiện thu hồi nợ có luôn cần đi đến xét xử?”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.

Trân trọng,