Trong hoạt đông thu hồi nợ nói chung, việc các bên nợ không còn khả năng thanh toán là điều xảy ra rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu Doanh nghiệp không còn tài sản thì có thể ràng buộc trách nhiệm của đại diện theo pháp luật phải trả nợ hay không? Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra ý kiến đối với vấn đề trên.

1. Ràng buộc trách nhiệm theo loại hình của doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các loại hình công ty khác nhau có tính chịu trách nhiệm khác nhau về tài sản đối với người đại diện theo pháp luật. Cụ thể:

• Công ty Trách nhiệm hữu hạn & Công ty Cổ phần

Đây là loại hình doanh nghiệp mà chủ sở hữu/cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp hoặc cổ phần đã đăng ký, không phải chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân của mình đối với các nghĩa vụ của công ty.

• Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh

Là loại hình doanh nghiệp mà Chủ sở hữu/Thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, bao gồm cả các khoản nợ.

Như vậy, theo loại hình doanh nghiệp thì người đại diện theo pháp luật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn & Công ty Cổ phần không phải liên đới chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân của mình đối với khoản nợ của doanh nghiệp. Ngược lại, với Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh thì người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp bằng tài sản của mình. Như vậy, tính chịu trách nhiệm của đại diện theo pháp luật đối với Doanh nghiệp tư nhân và Công ty hợp danh sẽ cao hơn.

2. Ràng buộc trách nhiệm liên đới theo sự thỏa thuận của các bên

• Đối với loại hình doanh nghiệp Công ty Trách nhiệm hữu hạn & Công ty Cổ phần, tuy trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp là trách nhiệm hữu hạn nhưng pháp luật không hạn chế việc đại diện theo pháp luật có thể tự nguyện liên đới chịu trách nhiệm đối với khoản nợ của doanh nghiệp mình.

• Theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015, nhiều người có thể thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, đây được gọi là nghĩa vụ liên đới.

Khi các bên đồng ý thực hiện nghĩa vụ liên đới, cả doanh nghiệp và Người đại diện theo pháp luật đều phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán như nhau, và bên có quyền có quyền yêu cầu doanh nghiệp và Người đại diện theo pháp luật phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thanh toán này.

Như vậy, trường hợp nếu một giao dịch dân sự mà bên nợ có thực hiện nghĩa vụ liên đới giữa doanh nghiệp và Người đại diện theo pháp luật, thì Người đại diện theo pháp luật cũng sẽ phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của họ đối với khoản nợ của doanh nghiệp.

3. Ràng buộc trách nhiệm khi doanh nghiệp thuộc trường hợp bị giải thể

• Căn cứ Khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Trong đó, Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

• Đồng thời căn cứ Khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Như vậy có thể hiểu rằng, Người quản lý doanh nghiệp và doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp giải thể. Tuy pháp luật không quy định cụ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có phải Người quản lý doanh nghiệp hay không nhưng theo quan điểm của TNTP, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là Người quản lý doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ nếu doanh nghiệp bị giải thể.

Từ những nội dung trên, có thể hiểu rằng việc ràng buộc trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật đối với khoản nợ của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Một số trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc sự thỏa thuận giữa các bên, điều này khiến các doanh nghiệp cần cân nhắc để tiến hành các biện pháp xử lý các khoản nợ phù hợp.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Kinh nghiệm thu hồi nợ: Doanh nghiệp không còn tài sản, có thể ràng buộc trách nhiệm của đại diện theo pháp luật không?”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.

Trân trọng,