Skip to main content

Khuyến nghị pháp lý khi áp dụng cơ chế Locked Box trong giao dịch M&A

Trong hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), việc xác định giá mua là yếu tố có tính quyết định đối với hiệu quả của thương vụ. Bên cạnh phương pháp định giá Earn-out, phương pháp Locked Box ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch có quy mô lớn, đặc biệt khi doanh nghiệp mục tiêu có hệ thống tài chính rõ ràng và minh bạch. Bài viết này phân tích cấu trúc pháp lý, ưu điểm, rủi ro tiềm ẩn và các khuyến nghị thực tiễn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư khi lựa chọn cơ chế Locked Box làm công cụ điều chỉnh giá mua trong giao dịch M&A.

1.Bản chất pháp lý và cấu trúc của cơ chế Locked Box

Locked Box là cơ chế định giá mà các bên thỏa thuận cố định giá mua dựa trên bảng cân đối kế toán tại một thời điểm nhất định trong quá khứ (gọi là “Ngày Locked Box”). Tại thời điểm này, báo cáo tài chính (đã được kiểm toán độc lập) phản ánh đầy đủ tình trạng tài chính của doanh nghiệp mục tiêu. Kể từ sau ngày Locked Box đến ngày hoàn tất giao dịch, bên bán có nghĩa vụ không rút ra bất kỳ giá trị kinh tế nào khỏi doanh nghiệp, trừ các khoản đã được liệt kê rõ trong hợp đồng chuyển nhượng – gọi là “permitted leakage” (rút vốn được phép).

Khác với cơ chế Earn-out, Locked Box không điều chỉnh giá mua sau ngày ký hợp đồng, từ đó giảm thiểu chi phí hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện và hạn chế tranh chấp về các chỉ tiêu tài chính trong tương lai.

2.Khi nào nên áp dụng cơ chế Locked Box?

Cơ chế Locked Box đặc biệt phù hợp trong các giao dịch đáp ứng các điều kiện sau:

  • Doanh nghiệp mục tiêu có báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất, chất lượng thông tin cao và được lập theo chuẩn mực kế toán rõ ràng (VAS hoặc IFRS);
  • Hoạt động kinh doanh có tính ổn định, ít biến động trong ngắn hạn;
  • Hai bên có mức độ tin cậy và minh bạch cao, có thể thỏa thuận đầy đủ về leakage và permitted leakage;
  • Giao dịch không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sau ngày chuyển nhượng.

Việc lựa chọn đúng thời điểm Locked Box và sử dụng số liệu kiểm toán độc lập sẽ giúp bảo đảm tính minh bạch và tránh các bất đồng về tài chính sau chuyển nhượng.

3.Kiểm soát dòng tiền và hành vi rút vốn trái phép

Rủi ro pháp lý lớn nhất trong mô hình Locked Box phát sinh từ hành vi rút vốn trái phép (leakage), làm giảm giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển nhượng. Các dạng leakage phổ biến bao gồm:

  • Trả cổ tức không ghi nhận tại ngày Locked Box;
  • Chuyển tài sản cho bên liên quan mà không được định giá hợp lý;
  • Trả thưởng Ban Điều hành hoặc tăng lương đột xuất;
  • Giao dịch thương mại không đúng giá thị trường.

Để hạn chế rủi ro, bên mua cần:

  • Yêu cầu bên bán cam kết không thực hiện bất kỳ hành vi leakage nào, trừ các khoản permitted leakage được thỏa thuận;
  • Thiết lập điều khoản bồi thường thiệt hại nếu phát hiện leakage, không phụ thuộc vào yếu tố lỗi;
  • Sử dụng điều khoản giữ lại (holdback) hoặc ký quỹ (escrow) để bù trừ thiệt hại nếu cần. Bên cạnh đó, hợp đồng cần quy định rõ trách nhiệm cung cấp báo cáo tài chính, quyền kiểm tra của bên mua và cơ chế xác minh độc lập đối với các khoản chi phát sinh sau ngày Locked Box.

4.Các lưu ý về tính hiệu lực và cấu trúc pháp lý

Dưới góc độ pháp lý, Locked Box là một cơ chế được thừa nhận theo nguyên tắc tự do thỏa thuận trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, để bảo đảm khả năng thực thi, các bên cần chú ý những nội dung sau khi thực hiện giao dịch:

  • Quy định ngày Locked Box, tên báo cáo tài chính áp dụng và cam kết không điều chỉnh giá mua sau ngày này;
  • Liệt kê chi tiết các khoản permitted leakage (ví dụ: lương, bảo hiểm xã hội, chi phí vận hành hợp lý,…);
  • Đính kèm báo cáo tài chính làm phụ lục hợp đồng;
  • Có điều khoản giải quyết tranh chấp (nên thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trọng tài Thương mại).

5.Kết hợp với các công cụ bảo đảm khác để gia tăng hiệu lực 

Cơ chế Locked Box nên được kết hợp với các công cụ bảo đảm khác để tăng tính hiệu lực pháp lý, ví dụ:

  • Ký quỹ giá mua (escrow account): Giữ lại một phần thanh toán để bù đắp rủi ro leakage hoặc vi phạm cam đoan, bảo đảm;
  • Cam đoan và bảo đảm (R&W) bổ sung: Bên bán xác nhận không có sự kiện phát sinh sau ngày Locked Box làm ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp;
  • Chế tài hợp đồng: Xác định rõ cơ chế xử lý nếu phát hiện leakage (bồi thường, khấu trừ, hủy bỏ giao dịch…).

6.Một số khuyến nghị thực tiễn

  • Bên mua cần ưu tiên sử dụng báo cáo tài chính kiểm toán độc lập gần nhất, không nên sử dụng báo cáo nội bộ làm cơ sở Locked Box;
  • Hợp đồng cần quy định cụ thể quyền của bên mua trong việc giám sát giao dịch tài chính từ ngày Locked Box đến ngày hoàn tất giao dịch;
  • Các bên nên làm rõ các giới hạn trách nhiệm của bên bán, ví dụ: mức trần bồi thường, thời hiệu khiếu nại và các trường hợp miễn trừ trách nhiệm;
  • Tránh áp dụng Locked Box trong các giao dịch có biến động thị trường lớn hoặc thiếu thông tin tài chính đáng tin cậy.

Cơ chế Locked Box là một giải pháp định giá hữu hiệu trong giao dịch M&A, đặc biệt đối với các thương vụ có độ minh bạch tài chính cao, thời gian hoàn tất nhanh và ít biến động hậu chuyển nhượng. Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả, doanh nghiệp cần soạn thảo các hợp đồng, văn bản liên quan với cấu trúc pháp lý rõ ràng, đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát hành vi leakage một cách hiệu quả, và kết hợp đồng bộ với các công cụ pháp lý khác như ký quỹ và nhóm điều khoản cam đoan và bảo đảm. Việc phối hợp với luật sư, kiểm toán viên và tư vấn tài chính ngay từ giai đoạn đàm phán sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ kiểm soát rủi ro mà còn tối ưu hóa hiệu quả pháp lý và tài chính của thương vụ M&A.

Trên đây là bài viết “Khuyến nghị pháp lý khi áp dụng cơ chế Locked Box trong giao dịch M&A” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, bạn đọc vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

 

Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự

  • Văn phòng tại Hồ Chí Minh:
    Phòng 1901, Tầng 19 Tòa nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng tại Hà Nội:
    Số 2, Ngõ 308 Tây Sơn, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com


    Bản quyền thuộc về: Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự