Mọi người thường hiểu nhầm rằng hoạt động thu hồi nợ là đòi nợ theo hướng “xã hội đen”. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ hiện nay phải diễn ra theo quy định của pháp luật và hoạt động này đóng vai trò nhất định đối với xã hội. Có quan điểm cho rằng nếu hoạt động thu hồi nợ không còn tồn tại nữa, xã hội sẽ lâm vào tình trạng khó khăn hơn. Tại sao lại như vậy? Bài viết này sẽ lý giải cho câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra với xã hội khi không có hoạt động thu hồi nợ?”
Không có hoạt động thu hồi nợ đúng pháp luật sẽ dẫn đến các hành vi đòi nợ bất hợp pháp tăng làm rối loạn trật tự an ninh xã hội
Nhiều người nghĩ rằng hoạt động thu hồi nợ là sai trái và nên triệt tiêu thu hồi nợ. Tuy nhiên, những vụ việc thu hồi nợ vi phạm pháp luật mà cơ quan truyền thông thường đăng tải chủ yếu do các hành vi như sau:
- Chủ nợ chửi mắng, xúc phạm bên nợ;
- Chủ nợ công khai các thông tin cá nhân của bên nợ lên mạng xã hội và ngoài đường;
- Bên nợ bị dồn ép, giục nỡ nên cố ý gây thương tích, nặng hơn là phạm tội giết người và khiến chủ nợ tử vong.
Đối với các vụ việc vi phạm xuất phát từ bên thu hồi nợ, các hoạt động đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” hay dịch vụ đòi nợ đã bị cấm kể từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực ngày 01/01/2021. Hiện tại, việc thu hồi nợ phải được thực hiện thông qua công ty luật, văn phòng luật sư hoặc ủy quyền cho người đại diện để đảm bảo khoản nợ được thu hồi một cách hợp pháp.
Với việc pháp luật thắt chặt hoạt động thu hồi nợ, các hành vi mang tính bạo lực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bên nợ đã giảm đáng kể, tạo cơ hội cho việc thu hồi nợ hợp pháp, lành mạnh hoạt động. Lúc này, nếu thu hồi nợ bị cấm hẳn thì nó sẽ gây tác dụng ngược tới xã hội. Bên có quyền và bên nợ không còn một bên thứ ba đứng ra làm trung gian giải quyết khoản nợ nên sẽ khó kiểm soát cảm xúc và dễ có các hành vi quá khích hơn. Điều này có thể dẫn đến tăng tỷ lệ tội phạm và làm rối loạn trật tự an ninh xã hội. Đây là hậu quả không ai muốn xảy ra nên thay vì cấm thu hồi nợ, hoạt động này nên được quản lý tốt trong khuôn khổ pháp luật.
Không có hoạt động thu hồi nợ đúng pháp luật dẫn đến việcc ác cơ quan nhà nước và ngân hàng thêm áp lực vì thiếu vắng lực lượng
Có một sự thật là các tổ chức chuyên thu hồi nợ là những bên hỗ trợ tích cực cho cơ quan nhà nước và ngân hàng.
Khác với những khoản nợ giữa các cá nhân và doanh nghiệp, khoản nợ của cơ quan nhà nước và ngân hàng có giá trị rất lớn nhưng lại phân không đều bởi số lượng bên nợ có thể lên đến hàng trăm hoặc hàng nghìn người. Các cơ quan nhà nước và ngân hàng không thể làm việc với từng bên nợ để yêu cầu bên nợ trả nợ thuế, phí, lệ phí. Dù ngân hàng có bộ phận thu hồi nợ riêng trong nội bộ thì cũng không đủ so với số lượng khoản nợ. Vì vậy, những tổ chức thu hồi nợ đã giúp các cơ quan nhà nước và ngân hàng thu hồi nợ trong một thời gian dài và đạt hiệu quả, giúp giảm áp lực cho các cơ quan nhà nước và ngân hàng.
Nếu các tổ chức thu hồi nợ không còn hoạt đồng nữa thì đây sẽ là một gánh nặng đè nặng lên cơ quan nhà nước và ngân hàng. Các cơ quan sẽ thiếu vắng nhân sự và lực lượng để có thể liên lạc, đốc thúc và theo dõi quá trình trả nợ của các bên nợ. Số lượng công việc tại cơ quan và ngân hàng sẽ bị đẩy lên cao và gây ra áp lực lớn cho bộ phận truy thu thuế hoặc bộ phận thu hồi nợ tại ngân hàng. Mặt khác, các vụ kiện liên quan đến việc giải quyết khoản nợ chắc chắn sẽ tăng và gây thêm áp lực cho Tòa án và Viện kiểm sát.
Không có hoạt động thu hồi nợ đúng pháp luật sẽ làm cho một bộ phận người lao động mất việc làm
Hiện nay, công việc thu hồi nợ thường không yêu cầu trình độ chuyên môn, năng lực quá cao. Các kiến thức pháp luật và kinh nghiệm đánh giá khoản nợ, khả năng thanh toán nợ của bên nợ đều có thể học và áp dụng nhanh chóng. Không chỉ vậy, người lao động có thể kiếm thêm thu nhập nếu khoản nợ được thu hồi thành công. Vì vậy, nhiều người lao động vẫn chọn thu hồi nợ là một công việc tốt để ứng tuyển. Các công ty tài chính nắm rõ điều này nên thường xuyên tuyển nhiều nhân viên thu hồi nợ, tạo việc làm cho một bộ phận người lao động trong xã hội.
Tuy nhiên, nếu hoạt động thu hồi nợ không còn thì hàng loạt các công ty tài chính và ngân hàng sẽ phải cắt giảm nhân sự, nhiều người không còn việc làm nữa. Trong khoảng thời gian này, tỷ lệ thất nghiệp đột ngột tăng có thể dự báo một hậu quả khủng hoảng lớn hơn về kinh tế và xã hội. Do đó, bỏ đi hoạt động thu hồi nợ có thể tác động xấu đến xã hội.
Kết luận
Thu hồi nợ thực tế có vai trò quan trọng đối với xã hội hơn những gì mọi người thường nghĩ. Nếu hoạt động thu hồi nợ không còn tồn tại, xã hội có thể gặp nhiều khó khăn bởi các vụ việc vi phạm pháp luật và tỷ lệ tội phạm sẽ gia tăng để đáp ứng nhu cầu thu hồi nợ của xã hội, các cơ quan nhà nước và ngân hàng áp lực vì thiếu đi lực lượng giải quyết nợ và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên vì nhiều người lao động làm trong lĩnh vực này bị mất việc làm. Ngoài ra, về mặt kinh tế, tỷ lệ nợ và nợ xấu có thể tăng vọt nếu không có hoạt động thu hồi nợ kìm hãm và bình ổn. Như vậy, nếu có thể cải thiện hoạt động thu hồi nợ thì chúng ta có thể xây dựng một xã hội ổn định, công bằng và phát triển hơn.