Khi hợp đồng không đáp ứng đủ các điều kiện hiệu lực theo quy định pháp luật, hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu, dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý. Bên cạnh nghĩa vụ khôi phục tình trạng ban đầu và hoàn trả những gì đã nhận, một hậu quả quan trọng khác cần đặc biệt lưu ý là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên có lỗi gây ra thiệt hại cho bên còn lại. Việc xác định thiệt hại phát sinh từ hợp đồng vô hiệu được căn cứ vào các thiệt hại thực tế và trực tiếp, đồng thời tính đến tỷ lệ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trên thực tế cũng như yếu tố lỗi của các bên liên quan.

1. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi hợp đồng vô hiệu

Theo khoản 4 Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS 2015”), nghĩa vụ bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có thiệt hại xảy ra do hợp đồng vô hiệu, bên có lỗi làm hợp đồng bị tuyên vô hiệu mà gây ra thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại.

2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hợp đồng vô hiệu đặt ra hai vấn đề cơ bản là cần xác định thiệt hại trực tiếp và thực tế của bên bị thiệt hại và cần xác định lỗi của các bên liên quan đến thiệt hại phát sinh.

i) Thiệt hại thực tế và trực tiếp

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hợp đồng vô hiệu chỉ phát sinh khi thiệt hại đó là thiệt hại thực tế, trực tiếp từ việc hợp đồng bị tuyên vô hiệu. Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể về các loại thiệt hại được bồi thường trực tiếp trong trường hợp hợp đồng vô hiệu; vì vậy, thực tiễn xét xử thường áp dụng tương tự như trường hợp vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng bị vi phạm, thiệt hại thực tế và trực tiếp gồm năm loại là: tổn thất về tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất và giảm sút; lợi ích đáng lẽ được hưởng do hợp đồng mang lại; chi phí khác phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với lợi ích đáng lẽ được hưởng do hợp đồng mang lại.

Tham khảo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP và Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao liên quan đến các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở bị tuyên vô hiệu, thiệt hại thực tế và trực tiếp bao gồm:

• Khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản được xác định vào thời điểm xét xử sơ thẩm và giá trị tài sản theo thỏa thuận ban đầu. Theo đó, hướng dẫn tại hai Nghị quyết nêu trên chỉ mang tính định hướng và không loại trừ khả năng các bên có thể yêu cầu xác định lại giá trị tài sản tại thời điểm xét xử ở các cấp cao hơn như phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm,… trong trường hợp các bên không đồng ý với bản án sơ thẩm và tiếp tục thực hiện quyền tố tụng ở các cấp xét xử cao hơn.

• Khoản tiền mà bên bán phải chi trả nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản được hoàn trả (ví dụ, bên mua đã gây ra những hư hỏng làm phát sinh các chi phí sửa chữa, phục hồi tình trạng ban đầu của tài sản). Theo đó, hướng dẫn tại hai Nghị quyết nêu trên cần được hiểu là chỉ mang tính chất định hướng và không loại trừ những chi phí hợp lý khác nhằm ngăn chặn và hạn chế thiệt hại phát sinh (nếu có).

• Khoản tiền mà bên nhận chuyển nhượng đã bỏ ra để cải tạo, làm gia tăng giá trị tài sản so với ban đầu (ví dụ như xây dựng thêm công trình mới trên đất).

Có quan điểm cho rằng thiệt hại được bồi thường trong trường hợp hợp đồng vô hiệu sẽ không bao gồm các lợi ích đáng lẽ các bên được hưởng nếu hợp đồng có hiệu lực, bởi tại thời điểm giao kết hợp đồng, các lợi ích này mới chỉ mang tính chất giả định và chưa thực sự phát sinh. Về nguyên tắc chung, việc hợp đồng bị tuyên vô hiệu dẫn đến nghĩa vụ các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu như khi chưa từng giao kết. Do vậy, việc yêu cầu bồi thường các lợi ích giả định này sẽ không phù hợp về mặt pháp lý, đồng thời mâu thuẫn với mục tiêu khôi phục trạng thái ban đầu của các bên khi hợp đồng bị vô hiệu.

ii) Tỷ lệ thực hiện hợp đồng

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2003 và Nghị quyết số 02/2004, khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hợp đồng vô hiệu, cần phải xét đến mức độ hợp đồng đã được thực hiện trên thực tế. Về nguyên tắc, thiệt hại được bồi thường phải là những thiệt hại thực tế và trực tiếp phát sinh từ hợp đồng bị vô hiệu. Do đó, trong trường hợp các bên chỉ thực hiện một phần nghĩa vụ theo hợp đồng, thiệt hại sẽ được xác định tương ứng với mức độ thực hiện thực tế, thay vì căn cứ vào toàn bộ giá trị hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận ban đầu.

iii) Lỗi của các bên

Khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu, lỗi có thể xuất phát từ một hoặc các bên hoặc không do bên nào. Theo quy định tại BLDS 2015, trong trường hợp một hoặc các bên có lỗi trong việc làm cho hợp đồng bị tuyên vô hiệu dẫn đến thiệt hại, bên có lỗi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2003 và Nghị quyết số 02/2004, có thể phân biệt ba trường hợp cụ thể như sau:

• Trường hợp thứ nhất, nếu bên bị thiệt hại hoàn toàn không có lỗi trong việc làm hợp đồng vô hiệu, bên có lỗi sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh từ việc hợp đồng vô hiệu.

• Trường hợp thứ hai, nếu bên bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm hợp đồng vô hiệu, bên còn lại không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.

• Trường hợp thứ ba, nếu cả hai bên cùng có lỗi dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được phân chia dựa trên mức độ lỗi của từng bên. Trong trường hợp các bên có mức độ lỗi ngang nhau, mỗi bên sẽ phải chịu trách nhiệm tương đương nhau đối với những thiệt hại đã phát sinh.

3. Thực tiễn xét xử

Việc xác định trách nhiệm bồi thường khi hợp đồng vô hiệu thường gặp nhiều khó khăn, nhất là các vụ việc phức tạp liên quan đến bất động sản hay tài sản vô hình. Ví dụ, một bên mua nhà đã xây dựng thêm nhiều công trình kiên cố trên đất, sau đó hợp đồng bị tuyên vô hiệu do vi phạm các điều kiện chuyển nhượng. Trong trường hợp này, việc xác định rõ giá trị tài sản trước và sau khi xây dựng, chi phí hợp lý để khôi phục nguyên trạng, cũng như yếu tố lỗi chủ quan của các bên, đều cần được đánh giá cẩn trọng.

Trên thực tế, việc xác định lỗi cũng như tỷ lệ lỗi của từng bên gặp không ít khó khăn, bởi lỗi cần được xác định dựa trên yếu tố ý chí chủ quan của các bên tại thời điểm giao kết hợp đồng. Do ý chí chủ quan của mỗi bên khó có thể nhận biết trực tiếp, cơ quan xét xử thường dựa vào các hành vi khách quan, biểu hiện bên ngoài của các bên trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng để suy luận về ý chí thực sự của họ. Trong đó, việc xác định lỗi để làm căn cứ tính mức bồi thường thiệt hại sẽ được xem xét thông qua hành vi vi phạm của các bên tại thời điểm giao kết hợp đồng. Ví dụ, nếu một bên biết rõ hoặc buộc phải biết hợp đồng có thể bị vô hiệu do không đáp ứng các điều kiện theo luật định nhưng vẫn cố ý giao kết, hoặc cố ý làm cho bên kia giao kết hợp đồng, thì hành vi này có thể được xem là căn cứ để xác định lỗi của bên đó trong việc gây ra thiệt hại từ hợp đồng vô hiệu.

Trên đây là bài viết “Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu: Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hy vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.

Trân trọng,