Giải thể doanh nghiệp là một cơ chế để doanh nghiệp có thể rút khỏi thị trường khi vẫn đảm bảo khả năng thanh toán. Bản chất của giải thể là chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và chấm dứt tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với các chủ thể đang có quan hệ với doanh nghiệp. Do đó, để bảo vệ các chủ thể này, tránh trường hợp doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm, doanh nghiệp khi giải thể cần tuân thủ quy định của phảp luật về giải thể doanh nghiệp. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ trình bày quy định về giải thể doanh nghiệp theo pháp luật doanh nghiệp hiện hành, cụ thể là Luật Doanh nghiệp 2020 (“LDN 2020”).
1. Giải thể doanh nghiệp là gì?
Hiện nay, tại LDN 2020 và các văn bản hướng dẫn không quy định khái niệm giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể hiểu, giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán hoặc đảm bảo khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài sản doanh nghiệp đã tạo lập trong quá trình hoạt động. Giải thể doanh nghiệp khác với việc chấm dứt hoạt động thông qua thủ tục phá sản doanh nghiệp ở chỗ doanh nghiệp giải thể vẫn còn có khả năng thanh toán và chưa đến mức độ mất khả năng thanh toán khoản nợ như đối với các doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục phá sản.
2. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp
Căn cứ vào Điều 207.1 LDN 2020, các trường hợp doanh nghiệp bị giải thể bao gồm:
– Trường hợp khi đã kết thúc thời hạn hoạt động đã được ghi nhận trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
– Theo Nghị quyết, Quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân (“DNTN”), của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh (“CTHD”), của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (“CTTNHH”), của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần (“CTCP”);
– Khi công ty không thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khi đã không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của LDN trong thời hạn 06 tháng liên tục;
– Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (“GCN ĐKDN”), trừ trường hợp có quy định khác tại Luật Quản lý thuế.
Khi thuộc các trường hợp nêu trên, doanh nghiệp chỉ có thể lựa chọn và tiến hành giải thể khi đáp ứng các điều kiện sau:
– Doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác; và
– Doanh nghiệp đang không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.
Riêng đối với trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi GCN ĐKDN, người quản lý có liên quan và phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ.
3. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp
Căn cứ Điều 210 LDN 2020, hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm:
– Thông báo của doanh nghiệp về việc giải thể;
– Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp;
– Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
Về trách nhiệm của thành viên, cổ đông, chủ doanh nghiệp tư nhân, người quản lý công ty đối với tính trung thực và chính xác của hồ sơ giải thể:
– Chủ thể phải chịu trách nhiệm bao gồm: Thành viên Hội đồng quản trị của CTCP, thành viên Hội đồng thành viên của CTTNHH, chủ sở hữu công ty, chủ DNTN, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
– Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, bị giả mạo, những người nêu trên phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán quyền lợi chưa được giải quyết của người lao động, số thuế chưa nộp, số nợ khác chưa thanh toán và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ giải thể tới Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Theo quy định trên có thể thấy, để giải thể thì doanh nghiệp cần hoàn thiện toàn bộ các khoản nợ và nghĩa vụ với các đối tác; nghĩa vụ trả lương cho người lao động; thực hiện việc đóng thuế, chi phí khác với cơ quan nhà nước vì việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp khi chưa hoàn thiện nghĩa vụ dân sự của mình với các đối tác khác và nghĩa vụ với các cơ quan nhà nước sẽ có khả năng xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các chủ thể này. Luật cũng quy định về trách nhiệm của thành viên, cổ đông, chủ doanh nghiệp tư nhân, người quản lý công ty giải thể trong vòng 05 năm nếu hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo để hạn chế trường hợp lợi dụng việc giải thể doanh nghiệp nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với người lao động, đối tác và cơ quan nhà nước.
4. Các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể
Căn cứ vào Điều 211 LDN 2020, kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp và những người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau đây:
(i) Cất giấu, tẩu tán tài sản;
(ii) Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
(iii) Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
(iv) Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;
(v) Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
(vi) Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
(vii) Huy động vốn dưới mọi hình thức.
Trường hợp người quản lý doanh nghiệp thực hiện các hành vi bị cấm nêu trên, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại sẽ phải bồi thường.
Trên đây là bài viết “Giải thể doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020” mà TNTP gửi đến quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết mang lại giá trị hữu ích tới độc giả.
Trân trọng,