Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp không thể tránh khỏi việc gặp phải các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng, quan hệ thương mại, hoặc các vấn đề khác. Để giải quyết những tranh chấp này, có nhiều phương thức khác nhau như tố tụng tại tòa án, trọng tài thương mại, và hòa giải thương mại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào phương thức hòa giải thương mại và những lợi ích mà nó mang lại.

1. Khái niệm hòa giải thương mại

• Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP đã giải thích rằng hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.

• Để giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, các bên cần đạt được thỏa thuận hòa giải. Thỏa thuận này phải được lập thành văn bản và có thể được thiết lập vào bất kỳ thời điểm nào (trước, trong hoặc sau khi tranh chấp xảy ra) Quy định chi tiết tại Điều 6, Điều 11 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP Nghị định về hòa giải thương mại.

• Kết quả hòa giải thành phải được các bên lập thành văn bản sau khi hỏa giải thành công. Văn bản này có giá trị pháp lý và được coi là có hiệu lực thi hành theo các quy định của pháp luật dân sự, buộc các bên phải thực hiện các cam kết đã đạt được trong quá trình hòa giải. Về nội dung của văn bản hòa giải cũng cần phải đáp ứng những thông tin sau:

(i) Ghi nhận căn cứ tiến hành hòa giải;
(ii) Thông tin cơ bản về các bên;
(iii) Ghi nhận nội dung chủ yếu của vụ việc;
(iv) Ghi nhận thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;
(v) Các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
(vi) Văn bản về kết quả hòa giải thành có chữ ký của các bên và hòa giải viên thương mại.

2. Những lợi thế của hòa giải thương mại

• Thứ nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí: Quá trình hòa giải thường diễn ra nhanh chóng hơn so với tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài. Thay vì phải trải qua các giai đoạn phức tạp và kéo dài của quá trình tố tụng, các bên có thể đạt được thỏa thuận chỉ sau một vài buổi hòa giải. Điều này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí pháp lý và các chi phí liên quan khác.

• Thứ hai, bảo mật thông tin: Một trong những ưu điểm nổi bật của hòa giải thương mại là tính bảo mật, điều này được quy định rõ ràng tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP. Các buổi hòa giải không công khai và thông tin trao đổi giữa các bên được giữ bí mật. Điều này rất quan trọng trong kinh doanh, nơi mà việc bảo vệ bí mật thương mại và danh tiếng là điều cần thiết.

• Thứ ba, linh hoạt và sáng tạo: Trong quá trình hòa giải, các bên có thể chủ động thảo luận và đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình và lợi ích của mình. Hòa giải viên, với vai trò là trung gian, hỗ trợ các bên trong việc trao đổi thông tin và truyền đạt ý kiến. Hòa giải viên có thể linh hoạt gặp gỡ riêng từng bên tại bất kỳ địa điểm nào để hiểu rõ hơn về quan điểm và mong muốn của họ. Bằng cách đưa ra các đề xuất và phương án hòa giải sáng tạo, hòa giải viên giúp các bên tiếp cận những giải pháp mới mẻ mà họ có thể chưa nghĩ đến, từ đó nâng cao khả năng đạt được thỏa thuận chung. Đây là điểm khác biệt chính giữa hòa giải viên và thẩm phán.

• Thứ tư, duy trì mối quan hệ kinh doanh: Quá trình hòa giải giúp các bên duy trì và thậm chí củng cố mối quan hệ kinh doanh. Xuất phát từ mong muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình và hợp tác, các bên có thể cùng nhau tìm ra giải pháp có lợi cho tất cả. Bằng cách hợp tác và tìm kiếm giải pháp chung, các bên có thể xây dựng sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục hợp tác tương lai.

• Thứ năm, có giá trị cưỡng chế thi hành: Đây có thể coi là sự khác biệt lớn nhất của phương thức hòa giải so với phương thức thương lượng. Về nguyên tắc thì khi đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có thể tự nguyện thực hiện mà không cần thêm thủ tục nào. Tuy nhiên, trong trường hợp một bên không thực hiện, để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ, các bên có thể yêu cầu Tòa án công nhận kết quả đó. Kết quả hòa giải thành được Tòa án công nhận có thể được cưỡng chế thi hành như bản án có hiệu lực. Việc công nhận kết quả hòa giải thành tuân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 7 Điều 27 BLTTDS 2015. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên yêu cầu cư trú, làm việc, hoặc nơi đặt trụ sở có thẩm quyền giải quyết. Bên yêu cầu cũng có thể chọn Tòa án nơi bên bị yêu cầu có tài sản để giải quyết yêu cầu công nhận.

3. Các lưu ý khi tham gia hòa giải

• Chuẩn bị kỹ lưỡng: Trước khi tham gia hòa giải, các bên nên chuẩn bị kỹ lưỡng các tài liệu và lập luận của mình. Điều này giúp hòa giải viên và các bên có cái nhìn toàn diện về tranh chấp và hỗ trợ việc tìm kiếm giải pháp.

• Tinh thần hợp tác: Để hòa giải đạt kết quả tốt nhất, các bên cần có tinh thần hợp tác và sẵn sàng lắng nghe. Việc này không chỉ giúp quá trình hòa giải diễn ra suôn sẻ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được thỏa thuận.

• Chọn hòa giải viên phù hợp: Chọn một hòa giải viên có kinh nghiệm và hiểu biết về lĩnh vực tranh chấp là rất quan trọng. Hòa giải viên cần có khả năng xử lý các tình huống phức tạp và giúp các bên tìm ra giải pháp hiệu quả.

• Hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ: Các bên cần hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quá trình hòa giải. Việc này giúp các bên có thể đưa ra các đề xuất hợp lý và thực hiện các cam kết một cách đầy đủ.

Hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và linh hoạt, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ của hòa giải viên, quá trình hòa giải không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn bảo mật thông tin, duy trì mối quan hệ kinh doanh và đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận. Các doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng hòa giải thương mại như một công cụ hữu ích trong giải quyết tranh chấp.

Trên đây là bài viết “Giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.

Trân trọng,