Chuyển nhượng cổ phần là hoạt động thường thấy và diễn ra phổ biến trong các doanh nghiệp (có loại hình là công ty cổ phần). Các cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho nhau theo quy định pháp luật nhằm giúp doanh nghiệp huy động vốn và cải thiện vấn đề tài chính theo tình hình kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, vì đây là hoạt động liên quan đến lợi ích của hai bên là cổ đông chuyển nhượng và cổ đông nhận chuyển nhượng, do đó, trên thực tế không ít tranh chấp xoay quanh vấn đề chuyển nhượng cổ phần diễn ra. Với kinh nghiệm của mình, trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ phân tích rõ hơn về chuyển nhượng cổ phần và các vấn đề có liên quan mà các doanh nghiệp cần chú ý để hạn chế xảy ra xung đột, tranh chấp giữa các cổ đông khi thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần.
1. Chuyển nhượng cổ phần là gì?
• Pháp luật không quy định cụ thể khái niệm“Chuyển nhượng cổ phần” là gì nhưng căn cứ vào quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, chúng ta có thể hiểu như sau:
Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông chuyển nhượng bán/tặng cho cổ phần của mình cho cổ đông nhận chuyển nhượng hoặc công ty mua lại cổ phần của cổ đông chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng cổ phần sẽ làm thay đổi số lượng cổ phần cổ đông đang nắm giữ cho người khác thông qua việc mua bán, cho tặng, thừa kế, …
Các cổ đông được tự do chuyển nhượng nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều lệ.
• Các trường hợp chuyển nhượng cổ phần thường thấy:
Chuyển nhượng cổ phần phổ thông:
Cổ phần phổ thông là cổ phần phải có trong công ty cổ phần. Chuyển nhượng cổ phần phổ thông là giao dịch giữa:
(i) Cổ đông chuyển nhượng sẽ bán một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình cho bên nhân chuyển nhượng (có thể là cá nhân, pháp nhân ngoài công ty hoặc cổ đông khác cùng công ty); hoặc
(ii) Một người mua cổ phần của doanh nghiệp khi doanh nghiệp chào bán cổ phần.
Chuyển nhượng cổ phần ưu đãi:
Cổ phần ưu đãi chưa được pháp luật quy định khái niệm cụ thể nhưng có thể hiểu ngoài cổ phần phổ thông thì công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Cổ đông ưu đãi sẽ nhận được một số ưu đãi nhất định tương ứng với loại cổ phần ưu đãi mà mình nắm giữ từ lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật, có 04 loại cổ phần ưu đãi bao gồm:
– Cổ phần ưu đãi cổ tức;
– Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
– Cổ phần ưu đãi biểu quyết; và
– Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
Điều kiện chuyển nhượng đối với các loại cổ phần ưu đãi sẽ phụ thuộc vào từng loại cổ phần, một số cổ phần ưu đãi có thể được chuyển nhượng theo tính chất tùy nghi hoặc do Điều lệ công ty quy định. Nhưng có những cổ phần ưu đãi thì việc chuyển nhượng không phải do cổ động hay điều lệ quyết định mà do quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế (đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết).
Chuyển nhượng cổ phần trong các trường hợp đặc biệt:
– Cổ đông là cá nhân chết:
Theo quy định tại Khoản 3 và 4 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty. Trường hợp không có người thừa kế hoặc người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
– Cổ đông tặng cho cổ phần hoặc sử dụng cổ phần để trả nợ:
Việc tặng cho cổ phần dựa trên ý chí của cổ đông sở hữu cổ phần đó quyết định mà không cần thiết phải có sự thỏa thuận giữa bên tặng, cho và bên nhận.
Việc sử dùng cổ phần để trả nợ là việc chuyển quyền sở hữu số cổ phần mình nắm giữ cho chủ nợ và việc này buộc phải có sự thỏa thuận giữa hai bên.
Cá nhân, tổ chức được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty.
2. Những việc cần chú ý để hạn chế xảy ra tranh chấp chuyển nhượng cổ phần
Trước khi quyết định (nhận) chuyển nhượng cổ phần, các cổ đông phải tìm hiểu rõ mọi vấn đề xoay quanh việc chuyển nhượng cổ phần bởi tranh chấp thường xảy ra do sự chủ quan và thiếu hiểu biết về pháp luật. Như vậy, các cổ đông cần chú ý những điều sau:
• Bên chuyển nhượng phải là người sở hữu cổ phần và có tên trên sổ đăng ký cổ đông.
• Cổ phần chuyển nhượng được thanh toán đầy đủ và người mua cổ phần trở thành cổ đông công ty khi thông tin của người mua được ghi đầy đủ, ghi đúng vào sổ đăng ký cổ đông theo quy định pháp luật.
• Việc chuyển nhượng cổ phần phải chịu thuế thu nhập cá nhân cùng các khoản phí và thuế liên quan khác chưa được tính toán chính xác có thể gây ra tổn thất về mặt tài chính hoặc các rủi ro pháp lý.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Khi chuyển nhượng cổ phần cần chú ý những gì để hạn chế xảy ra tranh chấp”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị với các độc giả.
Trân trọng,