Hiện nay, tình trạng người lao động bị trả lương chậm hay doanh nghiệp không trả lương vẫn khá phổ biến. Đặc biệt là thời điểm cuối năm khi các doanh nghiệp phải quyết toán thuế và các nghĩa vụ tài chính khác. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động. Vậy chậm trả lương liệu có hợp pháp? Trả tiền lương chậm có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Trong trường hợp Doanh nghiệp không trả lương, người lao động cần làm gì ? Bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi pháp lý trên.
Chậm trả tiền lương có hợp pháp?
Căn cứ theo Điều 96 của Bộ luật lao động năm 2012 quy định về nguyên tắc trả lương. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng. Và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền. Khoản đó ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bộ tại thời điểm trả lương.
Doanh nghiệp chậm trả, không trả tiền lương cho người lao động là vi phạm quy định tại Điều 96 nêu trên. Ngoài ra, các trường hợp không thể trả lương đúng thời hạn được quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn. Hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể khắc phục. Ngoài những lý do trên, người sử dụng lao động phải trả lương đúng thời hạn.
Chậm trả lương sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ theo Điểm a Khoản 3 và Điểm a Khoản 7 Điều 13 Nghị định 88/2015/NĐ-CP. Hành vi trả lương không đúng hạn sẽ bị phạt tiền lên đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 đến 10 người lao động. Và tùy theo mức độ vi phạm, mức tiền phạt có thể lên đến tối đa 50.000.000 đồng.
Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền, người sử dụng lao động bị buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động.
Người lao động có thể làm gì khi bị chậm trả tiền lương?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 15, Điều 20 và Điều 23 Nghị định 24/2018/NĐ-CP. Trường hợp người lao động không được trả lương đúng hạn thì có thể thực hiện các bước sau:
• Bước 1: Gửi đơn khiếu nại tới doanh nghiệp mà người lao động đó đang làm việc. Người sử dụng lao động là bên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với người lao động.
• Bước 2: Trường hợp người sử dụng lao động không phản hồi đơn khiếu nại sau 30 ngày kể từ ngày nộp đơn. Hoặc người lao động không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại. Thì người lao động sẽ gửi đơn khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
Lưu ý: Đây là các bước khiếu nại theo trình tự luật định. Nếu muốn giải quyết tranh chấp lao động về chậm trả tiền lương theo quy định pháp luật thì nên thực hiện khiếu nại theo các bước trên.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chi trả tiền lương
Từ đây ta có thể thấy việc người sử dụng lao động chậm trả tiền lương là không hợp pháp. Khi đó, người sử dụng lao động không những phải trả lương đầy đủ cho người lao động mà còn phải trả thêm lãi. Ngoài ra còn nhận mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến tối đa 50.000.000 đồng. Vì vậy, các doanh nghiệp nên tuân thủ quy định pháp luật. Thanh toán tiền lương đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Trên đây là bài viết: Doanh nghiệp không trả lương, người lao động cần làm gì?. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề pháp lý nào về tranh chấp lao động, vui lòng cung cấp thông tin cho chúng tôi TẠI ĐÂY.
Trân trọng.
Có thể bạn quan tâm đến: Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp khi vi phạm pháp luật lao động trong mùa dịch COVID-19
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP & Các Cộng sự
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com
Địa chỉ: Tầng 4, Số 200 Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội