Việc đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng là một trong những ưu tiên hàng đầu khi chủ đầu tư và nhà thầu cùng hợp tác thực hiện thi công dự án xây dựng do ngành xây dựng có nguy cơ cao về tai nạn lao động do tính chất công việc đòi hỏi sử dụng máy móc, thiết bị nặng, làm việc ở độ cao và tiếp xúc với các vật liệu nguy hiểm. Vậy trách nhiệm trong an toàn lao động được pháp luật quy định như thế nào? Trách nhiệm của các bên đối với an toàn lao động có được thỏa thuận trong Hợp đồng xây dựng hay không? Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ làm rõ điều khoản quy định trách nhiệm của các bên về an toàn lao động trong Hợp đồng xây dựng.
1. An toàn trong thi công xây dựng là gì?
• Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, an toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.
• Căn cứ Khoản 20 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, an toàn trong thi công xây dựng là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm đảm bảo không gây thương tật, tử vong, không làm suy giảm sức khỏe đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Như vậy, an toàn trong thi công có thể hiểu đơn giản là các biện pháp phòng chống các yếu tố nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng con người, gây thương tật và tử vong trong quá trình lao động.
2. Trách nhiệm của các bên về an toàn lao động trong Hợp đồng xây dựng được quy định như thế nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 48 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, trách nhiệm của các bên về an toàn lao động phải được thỏa thuận trong hợp đồng và được quy định như sau:
• Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người, máy móc thiết bị và công trình trên công trường xây dựng, kể cả các công trình phụ cận. Trường hợp các biện pháp an toàn liên quan đến nhiều bên thì phải được các bên thống nhất.
• Biện pháp an toàn, nội quy về an toàn lao động phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn.
• Nhà thầu thi công xây dựng, chủ đầu tư và các bên có liên quan phải thường xuyên kiểm tra giám sát công tác an toàn lao động trên công trường. Khi phát hiện có vi phạm về an toàn lao động thì phải đình chỉ thi công xây dựng. Người để xảy ra vi phạm về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
• Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn, phổ biến các quy định về an toàn lao động cho người lao động của mình. Đối với một số công việc yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì người lao động phải có giấy chứng nhận đào tạo về an toàn lao động.
• Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm cấp đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động, an toàn lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng lao động trên công trường.
• Khi có sự cố về an toàn lao động, nhà thầu thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm tổ chức xử lý và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động theo quy định của pháp luật đồng thời chịu trách nhiệm khắc phục và bồi thường những thiệt hại do nhà thầu không bảo đảm an toàn lao động gây ra.
Như vậy, nội dung của Hợp đồng xây dựng cần quy định cụ thể về trách nhiệm của Chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Trong công việc thi công thì các đối tượng này cần luôn theo dõi, giám sát công việc quản lý an toàn lao động hai bên lẫn nhau để đảm bảo hạn chế sự cố an toàn toàn lao động và kịp thời xử lý rủi ro phát sinh trong quá trình thi công tại công trường.
3. Trách nhiệm của các bên đối với an toàn lao động trong xây dựng
• Trách nhiệm của chủ đầu tư:
– Đảm bảo an toàn lao động trong kế hoạch dự án: Chủ đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch chi tiết về an toàn lao động trong toàn bộ dự án. Bao gồm các biện pháp phòng ngừa tai nạn và đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.
– Chọn nhà thầu có năng lực: Chủ đầu tư cần lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc thi công và đảm bảo an toàn lao động. Việc này thường được thể hiện trong hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu.
– Giám sát việc thực hiện an toàn lao động: Chủ đầu tư cần thường xuyên giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn lao động tại công trường, đảm bảo nhà thầu tuân thủ đúng các yêu cầu.
• Trách nhiệm của nhà thầu:
– Lập kế hoạch an toàn lao động: Nhà thầu phải lập kế hoạch an toàn lao động cụ thể cho từng giai đoạn thi công, bao gồm các biện pháp phòng ngừa tai nạn, thiết bị bảo hộ và đào tạo nhân viên về an toàn.
– Thực hiện các biện pháp an toàn: Nhà thầu có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động đã đề ra trong kế hoạch, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho công nhân.
– Đào tạo và huấn luyện an toàn lao động: Nhà thầu phải tổ chức đào tạo và huấn luyện cho tất cả nhân viên về các quy định an toàn lao động, sử dụng đúng các thiết bị bảo hộ cá nhân và các biện pháp phòng ngừa tai nạn.
– Báo cáo và xử lý sự cố: Khi xảy ra sự cố lao động, nhà thầu phải báo cáo ngay lập tức cho chủ đùa tư và cơ quan có thẩm quyền, đồng thời phải điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục.
Có thể thấy chủ đầu tư và nhà thầu có trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động trong hoạt động thi công xây dựng, các chủ thể này cần quán triệt chặt chẽ các công việc và biện pháp đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời, người lao động cần hợp tác và tuân thủ đúng các biện pháp an toàn như đã được huấn luyện để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, phòng tránh thương tích.
Như vậy, công việc thi công xây dựng luôn tồn tại nhiều nguy hiểm, rủi ro trong quá trình lao động tại các công trường như sự sụp đổ công trình, tai nạn lao động, vật liệu nguy hiểm và các chất liệu độc hại làm suy giảm sức khỏe và gây nguy hại tới tính mạng con người. Vì vậy, chủ đầu tư và nhà thầu cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của an toàn lao động và đảm bảo thực hiện đúng các quy định an toàn lao động cần thiết.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về “Điều khoản quy định trách nhiệm của các bên về an toàn lao động trong hợp đồng xây dựng”. Hy vọng bài viết này giúp ích các bạn đọc và các doanh nghiệp dự án, nhà thầu có quy hoạch xây dựng trong tương lai.
Trân trọng,