Trong hợp đồng quốc tế, điều khoản “lựa chọn luật áp dụng” thường được quy định để xác định hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng. Điều khoản này không chỉ giúp xác định khung pháp lý để giải quyết tranh chấp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro. Dưới đây là phân tích về vai trò của điều khoản lựa chọn luật áp dụng và những nguồn luật có thể được áp dụng trong giải quyết tranh chấp quốc tế.

1. Vai trò của điều khoản lựa chọn luật áp dụng

a) Quản lý rủi ro pháp lý

Khi các bên đã thỏa thuận trước về pháp luật sẽ được sử dụng để giải quyết tranh chấp, bất kỳ bên nào có thể đánh giá các rủi ro pháp lý liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình. Đặc biệt trong bối cảnh các bên đến từ nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật khác nhau thì việc lựa chọn luật áp dụng trở nên cần thiết và quan trọng. Khi đã xác định pháp luật điều chỉnh hợp đồng, mỗi bên có thể chủ động tìm hiểu và thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm tuân thủ pháp luật.

b) Tăng tính hiệu quả trong giải quyết tranh chấp

Khi tranh chấp xảy ra, việc xác định một hệ thống pháp luật được sử dụng để giải quyết tranh chấp từ trước sẽ giúp quá trình giải quyết tranh chấp trở nên nhanh chóng hơn. Các bên có thể xác định được hướng giải quyết phù hợp khi phát sinh mâu thuẫn, tránh việc phải tìm kiếm và so sánh giữa nhiều hệ thống luật khác nhau. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí pháp lý, bởi các bên sẽ không cần phải tốn thời gian để nghiên cứu hoặc chọn lựa giữa các quy định pháp luật khác nhau. Đồng thời, điều khoản lựa chọn luật còn giúp cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết tranh chấp. Theo đó, cơ quan có thể xác định nguồn luật giải quyết tranh chấp dựa trên sự thỏa thuận của các bên.

2. Các nguồn luật điều chỉnh hợp đồng

a) Pháp luật quốc gia

Các bên trong hợp đồng thường chọn pháp luật của một quốc gia cụ thể để điều chỉnh quan hệ hợp đồng giữa các bên, trong đó có nội dung giải quyết tranh chấp, có thể là pháp luật của quốc gia nơi một trong các bên có trụ sở chính. Khi pháp luật của một quốc gia cụ thể được lựa chọn, pháp luật này sẽ đóng vai trò là nguồn luật trong việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hợp đồng. Các bên nên lựa chọn pháp luật của một quốc gia mà ít nhất một bên trong hợp đồng quen thuộc. Trường hợp các bên không thỏa thuận luật áp dụng thì nguồn luật được áp dụng sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật quốc tế và các quy định giải quyết xung đột pháp luật.

b) Điều ước quốc tế

Các bên trong hợp đồng thường lựa chọn điều ước quốc tế để điều chỉnh hợp đồng, trong đó có nội dung giải quyết tranh chấp. Một số điều ước quốc tế đã được ban hành nhằm tạo sự nhất quán trong các quy định về hợp đồng thương mại quốc tế, có thể kể đến như:

• Công ước La Haye: Công ước này được Viện quốc tế về Nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT) ban hành, theo đó quy định về các hợp đồng mua bán quốc tế, tuy nhiên, công ước này không được sử dụng rộng rãi.

• CISG 1980: Được Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế thông qua vào năm 1980, CISG là công ước quốc tế phổ biến nhất về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Nhiều quốc gia tham gia và áp dụng Công ước trong các giao dịch thương mại quốc tế.

Trường hợp lựa chọn điều ước quốc tế là luật áp dụng, các bên cần lưu ý:

• Thứ nhất, điều ước quốc tế được mặc nhiên áp dụng, trường hợp này xảy ra khi các quốc gia liên quan với các bên trong hợp đồng cùng là thành viên của điều ước quốc tế.

• Thứ hai, điều ước quốc tế không mặc nhiên áp dụng. Theo đó, khi các quốc gia liên quan với các bên trong hợp đồng không cùng là thành viên của điều ước quốc tế, điều ước quốc tế chỉ ràng buộc các bên khi các bên thỏa thuận áp dụng điều ước quốc tế đó.

c) Tập quán thương mại quốc tế và các nguồn luật khác

Ngoài luật quốc gia và điều ước quốc tế, các bên có thể lựa chọn các tập quán thương mại quốc tế như Incoterms, một bộ quy tắc quốc tế về điều kiện giao hàng trong hợp đồng mua bán quốc tế, để làm nền tảng pháp lý cho hợp đồng. Incoterms có nhiều phiên bản với các quy định về các phương thức giao hàng, giúp các bên thực hiện hợp đồng theo một khung pháp lý rõ ràng và đồng nhất. Bên cạnh đó, các nguyên tắc cơ bản về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) do UNIDROIT ban hành cũng có thể được lựa chọn để áp dụng. Các tập quán thương mại quốc tế này chỉ có giá trị khi được các bên quy định trong hợp đồng.

Trên đây là bài viết “Điều khoản chọn luật áp dụng giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật quốc tế” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn đọc.

Trân trọng,