Trong các hợp đồng xây dựng và các dự án quy mô lớn, điều khoản bảo lãnh thanh toán là một phần quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà thầu chính. Điều khoản này không chỉ đóng vai trò bảo đảm tài chính mà còn ảnh hưởng đến khả năng thu hồi tiền từ Chủ đầu tư. Bài viết này sẽ phân tích liệu điều khoản bảo lãnh thanh toán có thực sự giúp Nhà thầu chính thu được tiền từ Chủ đầu tư và các yếu tố cần xem xét để đảm bảo hiệu quả của điều khoản này.
1. Khái niệm bảo lãnh thanh toán và mục đích
– Dựa trên quy định tại Điều 335 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về bảo lãnh có thể hiểu bảo lãnh thanh toán là việc bên thứ ba (thường là ngân hàng hoặc tổ chức tài chính) cam kết với Nhà thầu chính sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Chủ đầu tư trong trường hợp khi đến thời hạn thanh toán mà Chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các điều khoản thanh toán theo thỏa thuận. Trong trường hợp bên bảo lãnh là ngân hàng thì ngân hàng sẽ phát hành các chứng thư bảo lãnh.
– Theo quy định tại điều 44 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ của mình, bao gồm các trường hợp như không thực hiện đúng thời hạn, không thực hiện trước thời hạn theo thỏa thuận, thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng nội dung đã cam kết, cũng như khi Chủ đầu tư không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Hoặc theo thỏa thuận của các các bên về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho Chủ đầu tư trong trường hợp Chủ đầu tư không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp này, nếu Chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, Nhà thầu chính có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ khi đã có thỏa thuận khác quy định rằng nghĩa vụ bảo lãnh chỉ phát sinh khi Chủ đầu tư mất khả năng thực hiện nghĩa vụ.
– Việc bảo lãnh này giúp bảo vệ Nhà thầu chính khỏi nguy cơ không nhận được thanh toán nếu Chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình. Mục đích chính của bảo lãnh là cung cấp sự đảm bảo và an tâm về tài chính cho Nhà thầu chính, giúp Nhà thầu chính hạn chế rủi ro trong việc thanh toán của Chủ đầu tư, duy trì dòng tiền và tiếp tục thực hiện công việc theo hợp đồng.
2. Lợi ích của điều khoản bảo lãnh thanh toán
– Đảm bảo Thanh toán: Điều khoản bảo lãnh thanh toán tạo ra sự đảm bảo rằng Nhà thầu chính sẽ nhận được khoản thanh toán từ Bên bảo lãnh trong trường hợp Chủ đầu tư vi phạm quy định về việc thanh toán, ngay cả khi Chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính hoặc trì hoãn việc thanh toán. Bảo lãnh này giúp giảm thiểu rủi ro tài chính và cung cấp một lớp bảo vệ tài chính quan trọng cho Nhà thầu chính.
– Tăng cường sự tin cậy: Sự hiện diện của điều khoản bảo lãnh thanh toán có thể làm tăng sự tin tưởng giữa Nhà thầu chính và Chủ đầu tư. Khi các bên có sự bảo đảm tài chính, họ có thể tập trung vào việc hoàn thành dự án một cách hiệu quả mà không phải lo lắng về vấn đề thanh toán. Điều này có thể dẫn đến mối quan hệ hợp tác tốt hơn và cơ hội hợp tác trong các dự án tương lai.
– Quản lý rủi ro tài chính: Với điều khoản bảo lãnh thanh toán, Nhà thầu chính có thể quản lý rủi ro tài chính một cách hiệu quả hơn. Bảo lãnh giúp đảm bảo rằng Nhà thầu chính không bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tài chính khi gặp phải tình trạng chậm thanh toán hoặc không thanh toán từ Chủ đầu tư. Điều này cho phép Nhà thầu chính duy trì hoạt động kinh doanh và thực hiện các dự án mà không bị gián đoạn.
3. Rủi ro đối với Nhà thầu khi sử dụng bảo lãnh thanh toán
– Mặc dù điều khoản bảo lãnh thanh toán cung cấp một cơ chế bảo vệ cho Nhà thẩu chính, tuy nhiên, nó không hoàn toàn loại bỏ được tất cả các rủi ro. Nếu Bên bảo lãnh gặp phải vấn đề về tài chính hoặc không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thành toán thì Nhà thầu chính có thể vẫn gặp phải khó khăn trong việc thu hồi tiền từ Chủ đầu tư. Hơn nữa, chi phí cho việc yêu cầu và duy trì bảo lãnh cũng cần được cân nhắc, vì nó có thể làm tăng tổng chi phí của dự án.
– Thứ hai điều kiện về tài liệu cần thiết để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng với yêu cầu trong cam kết bảo lãnh, bên bảo lãnh (thông thường là ngân hàng) có thể từ chối thực hiện nghĩa vụ, dẫn đến việc Nhà thầu chính không nhận được khoản thanh toán mong muốn.
– Thứ ba, nếu thời hạn bảo lãnh hết hiệu lực mà Nhà thầu chính chưa kịp yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thì quyền yêu cầu bảo lãnh sẽ tự động mất hiệu lực, khiến Nhà thầu chính mất đi cơ hội thu hồi tiền.
4. Các lưu ý đối với Nhà thầu để hạn chế rủi ro của Phương thức thanh toán
– Nhà thầu kiểm tra độ uy tín của Bên bảo lãnh: Độ tin cậy và uy tín của tổ chức bảo lãnh là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của điều khoản bảo lãnh. Nếu bên bảo lãnh không có khả năng tài chính vững mạnh hoặc không thực hiện đúng cam kết, bảo lãnh có thể không đạt hiệu quả như mong đợi. Trước khi chấp nhận phương thức bảo lãnh thanh toán, nhà thầu nên thẩm định kỹ mức độ tín nhiệm và khả năng tài chính của Bên bảo lãnh. Điều này giúp nhà thầu đánh giá liệu bảo lãnh thanh toán có thể được thực hiện trong trường hợp cần thiết hay không.
– Đối với Điều kiện và điều khoản của bảo lãnh:
+ Các điều kiện và điều khoản của bảo lãnh cần được xác định rõ ràng trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của Nhà thầu chính. Nếu điều khoản bảo lãnh không được quy định chi tiết, có thể dẫn đến tranh chấp hoặc khó khăn trong việc yêu cầu bảo lãnh.
+ Nhà thầu cần lưu ý đến nội dung “Yêu cầu bảo lãnh thanh toán vô điều kiện và không hủy ngang” điều này không có nghĩa Ngân hàng sẽ thanh toán ngay lập tức khi có yêu cầu mà không cần chờ phê duyệt từ phía đối tác hoặc các điều kiện bổ sung. Đối với nội dung này, trước khi Nhà thầu yêu cầu ngân hàng thanh toán Nhà thầu cần thực hiện các công việc như gửi email, gửi công văn đến Chủ đầu tư yêu cầu thanh toán. Điều này góp phần thể hiện cho Bên bảo lãnh là Ngân hàng biết Nhà thầu đã nỗ lực yêu cầu Chủ đầu tư thanh toán trước khi yêu cầu Bên bảo lãnh thanh toán.
+ Yêu cầu bảo lãnh đối với từng giai đoạn thanh toán: Nhà thầu có thể phân bổ rủi ro bằng cách thỏa thuận yêu cầu bảo lãnh cho từng giai đoạn thanh toán trong quá trình thực hiện hợp đồng thay vì chỉ cho toàn bộ hợp đồng. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro nếu có vấn đề xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào.
– Nhà thầu kiểm tra khả năng thực hiện của Chủ đầu tư: Khả năng tài chính và cam kết của Chủ đầu tư cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu Chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán ngay cả khi có bảo lãnh, Nhà thầu chính có thể phải đối mặt với các vấn đề pháp lý và phải xử lý các tranh chấp để thu hồi tiền.
Điều khoản bảo lãnh thanh toán là một công cụ quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà thầu chính và giúp đảm bảo rằng họ nhận được thanh toán từ Chủ đầu tư. Mặc dù điều khoản này mang lại nhiều lợi ích như giảm rủi ro tài chính và tăng cường sự tin tưởng, nó không hoàn toàn loại bỏ mọi khó khăn. Hiệu quả của bảo lãnh phụ thuộc vào uy tín của tổ chức bảo lãnh, các điều kiện của bảo lãnh, và khả năng thực hiện của Chủ đầu tư. Để tối đa hóa lợi ích từ điều khoản bảo lãnh thanh toán, Nhà thầu chính cần lựa chọn các tổ chức bảo lãnh uy tín và đảm bảo rằng các điều khoản bảo lãnh trong hợp đồng được quy định rõ ràng và chi tiết.
Trên đây là bài viết “Điều khoản bảo lãnh thanh toán có giúp Nhà thầu chính thu được tiền của Chủ đầu tư?” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.
Trân trọng,