Skip to main content

Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền: Khấu trừ tiền trong tài khoản và trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

Trong hoạt động thi hành án dân sự, nghĩa vụ trả tiền là loại nghĩa vụ phổ biến nhất phát sinh từ các bản án, quyết định, phán quyết của Tòa án, Trọng tài. Khi người phải thi hành án không tự nguyện thanh toán tiền dù có điều kiện, cơ quan thi hành án dân sự buộc phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Các biện pháp này có thể hướng tới việc xử lý tài sản không phải là tiền để thu hồi khoản tiền phải trả, hoặc trực tiếp thu hồi tài sản là tiền của người phải thi hành án. Bài viết này sẽ đi sâu làm rõ hai trong số các biện pháp cưỡng chế thi hành án nghĩa vụ trả tiền khi tài sản bị xử lý trực tiếp là tiền, đó là khấu trừ tiền trong tài khoản và trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

1.Thi hành nghĩa vụ trả tiền là gì?

Pháp luật hiện hành không quy định khái niệm “thi hành nghĩa vụ trả tiền”. Tuy nhiên, dựa vào khái niệm “thi hành án” và “nghĩa vụ trả tiền”, thi hành nghĩa vụ trả tiền có thể được hiểu là việc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản tiền mà bản án, quyết định của người có thẩm quyền tuyên họ có nghĩa vụ phải thanh toán cho bên có quyền.

2.Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền đối với tài sản là tiền

Khi người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền nhưng không tự nguyện thực hiện và Chấp hành viên xác định người đó có tài sản là tiền (tiền mặt, tiền trong tài khoản, thu nhập bằng tiền,…), pháp luật cho phép áp dụng các biện pháp cưỡng chế trực tiếp đối với khoản tiền này. Những biện pháp này thường mang lại hiệu quả thu hồi cao, nhanh chóng và hạn chế các thủ tục phức tạp so với việc xử lý các loại tài sản khác. Dưới đây sẽ là hai trong số các biện pháp cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền khi người phải thi hành án có tài sản là tiền.

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản

Biện pháp khấu trừ tiền trong tài khoản là một trong những cách hiệu quả và nhanh chóng nhất để thu hồi tiền thi hành án, đặc biệt khi người phải thi hành án có số dư đáng kể trong tài khoản tại các tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Việc khấu trừ tiền trong tài khoản được tiến hành khi Chấp hành viên ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án theo khoản 1 Điều 76 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 (“Luật Thi hành án”). Theo đó, ngay sau khi nhận được quyết định này, tổ chức đang quản lý tài khoản (Ví dụ: Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước…) có trách nhiệm thực hiện ngay việc khấu trừ số tiền theo yêu cầu. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc chuyển trực tiếp cho người được thi hành án theo chỉ định cụ thể trong quyết định.

Về số tiền được khấu trừ, số tiền này sẽ không được vượt quá tổng số tiền tương ứng với giá trị nghĩa vụ thi hành án và các chi phí cưỡng chế phát sinh liên quan theo quy định. Trong trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài khoản tại các tổ chức tín dụng khác nhau, căn cứ vào khoản 2 Điều 21 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Chấp hành viên sẽ căn cứ vào số dư của các tài khoản để quyết định áp dụng biện pháp khấu trừ tại một hoặc nhiều tài khoản của người phải thi hành án. 

Ví dụ: Ông A có nghĩa vụ trả 500.000.000 đồng theo Bản án và có tài khoản tại Ngân hàng X với số dư 600.000.000 đồng. Chấp hành viên C xác minh được tài khoản này thuộc sở hữu của ông A và ra quyết định yêu cầu Ngân hàng X khấu trừ từ tài khoản của ông A số tiền 500.000.000 đồng cùng với chi phí cưỡng chế.

  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

Khi người phải thi hành án có nguồn thu nhập ổn định như tiền lương, lương hưu, trợ cấp thì Chấp hành viên có thể xem xét tiến hành biện pháp trừ vào thu nhập để buộc thi hành nghĩa vụ trả tiền.

Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án chỉ được Chấp hành viên quyết định tiến hành khi có một trong số các căn cứ sau: (1) Khấu trừ khi có thỏa thuận của đương sự; (2) Khi Bản án, Quyết định giải quyết vụ án đã quyết định trừ thu nhập của người có nghĩa vụ; hoặc (3) Khi thi hành án cấp dưỡng, các khoản thi hành án theo định kỳ, khoản tiền thi hành án không lớn, hoặc khi giá trị tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

Các loại thu nhập có thể bị trừ bao gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và các thu nhập hợp pháp khác mà người phải thi hành án được nhận. Pháp luật cũng quy định mức khấu trừ tối đa để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người phụ thuộc. Đối với tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, mức cao nhất được trừ là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đối với các khoản thu nhập khác, mức khấu trừ được xác định dựa trên thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng vẫn phải bảo đảm mức sống tối thiểu cho người đó và những người mà họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trình tự thực hiện biện pháp trừ vào thu nhập được bắt đầu bằng việc Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế trừ vào thu nhập. Sau đó, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động hoặc Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận thu nhập có trách nhiệm phối hợp và thực hiện việc trừ thu nhập theo quyết định này.

Ví dụ: Bà D đang làm việc tại Công ty Y với mức lương là 15.000.000 đồng/tháng. Theo Bản án của Tòa án, bà D phải trả 50.000.000 đồng tiền bồi thường thiệt hại cho ông E và Bản án ấn định trừ 30% thu nhập hàng tháng của bà D để trả tiền bồi thường cho ông E. Do đó, Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập hàng tháng của bà D tại Công ty Y với mức 30% tiền lương, tương đương 4.500.000 đồng. Quyết định này được gửi tới Công ty Y và Công ty Y thực hiện việc trừ 4.500.000 đồng từ lương bà D mỗi tháng để nộp cho cơ quan thi hành án cho đến khi đủ số tiền phải thi hành án.

Trên đây là bài viết “Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền: Khấu trừ tiền trong tài khoản và trừ vào thu nhập của người phải thi hành án” mà TNTP gửi tới Quý bạn đọc. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với những độc giả quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng.

 

 

 

 

 

Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự

  • Văn phòng tại Hồ Chí Minh:
    Phòng 1901, Tầng 19 Tòa nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng tại Hà Nội:
    Số 2, Ngõ 308 Tây Sơn, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com


    Bản quyền thuộc về: Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự