Cuối năm thường là thời điểm mà các doanh nghiệp tập trung vào việc thu hồi những khoản công nợ trong năm để thu hồi vốn sau một năm hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên việc thu hồi công nợ không phải vấn đề đơn giản và thường gây “đau đầu” cho các doanh nghiệp. Việc hiểu bản chất và phân loại công nợ là điều cần thiết trong hoạt động thu hồi công nợ của doanh nghiệp. Hãy tìm hiểu về bản chất của công nợ, và lý do thu hồi nợ lại quan trọng trong bài viết sau của TNTP.
1. Công nợ là gì?
Công nợ bao là toàn bộ các khoản tiền gồm: các khoản phải thu khách hàng, phải trả người bán, các khoản tạm ứng và các khoản phải thu, phải trả khác.
Theo từng cách tiếp cận liên sẽ có khá nhiều khái niệm liên quan đến công nợ với doanh nghiệp như sau:
– Công nợ phải thu từ khách hàng: Đối với công nợ phải thu từ khách hàng chúng ta có thể hiểu khi một doanh nghiệp xuất thành phẩm đến tay khách hàng đã có hoá đơn chứng từ kê khai thuế, nhưng vì lý do nào đó khách hàng vẫn chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán 1 phần. Trong trường hợp này, để có thể thu được nợ hiệu quả, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chính sách công nợ khách hàng rõ ràng và theo dõi liên tục.
– Công nợ phải trả người bán: Ngược lại với khoản công nợ phải thu từ khách hàng, thì công nợ phải trả người bán là khoản nợ sau khi doanh nghiệp, tổ chức đã nhận được công cụ, vật tư, hàng hoá, dịch vụ từ người bán trong quá trình kinh doanh nhưng người mua vẫn chưa thanh toán.
– Các khoản phải thu phải trả khác: Ngoài những trường hợp trên thì những khoản phải thu, phải trả khác như ký quỹ, tạm ứng, ký cược, các tài sản bị thiếu hụt chưa xác định rõ nguyên nhân, các vật tư bị hỏng hóc, mất mát… Khi vấn đề này xảy ra, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có chính sách tối ưu để giải quyết bài toán kiểm soát công nợ, tránh những khoản phát sinh không cần thiết.
Bên cạnh đó, những khoản phải chi trả thêm của doanh nghiệp như trả công nhân viên, trích thanh toán bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, nộp thuế nhà nước. Đây đều là những khoản bắt buộc mà doanh nghiệp cần có nghĩa vụ thực hiện trong quá trình kinh doanh.
2. Phân loại công nợ
2.1 Công nợ phải thu
Công nợ phải thu bao gồm những khoản như: Tiền bán hàng hoá, sản phẩm, doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhưng vẫn chưa thu được toàn bộ số tiền, những khoản đầu tư tài chính.
Để tránh công nợ kéo dài, gây ra những hệ luỵ với các mức độ nghiêm trọng khác nhau cho doanh nghiệp thì nhiệm vụ của kế toán công nợ là phải đảm bảo theo dõi và đối soát tốt những trường hợp này để thu đúng hạn.
Vì thế, giải pháp quản lý những vấn đề hạn mức công nợ, thời hạn… một cách tối ưu là một bài toán của doanh nghiệp cần thực hiện để tránh thâm hụt quá lớn, đồng thời để thuận lợi cho quá trình thu hồi công nợ về sau.
2.2 Công nợ phải trả
Công nợ phải trả sẽ bao gồm những khoản phải trả cho nhà cung cấp các công cụ, dụng cụ, vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu, dịch vụ, hàng hoá… phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp chưa thanh toán tiền chẳng hạn như công nợ vé máy bay cho chuyến đi công tác của một bộ phận trong doanh nghiệp nhưng chưa thanh toán cho đại lý bán vé.
2.3 Các khoản phải thu, phải trả khác
Đây được hiểu là các khoản phí phải thu ngoài những khoản phải thu khách hàng, phải thu nội bộ, tạm ứng, kí quỹ như: giá trị tài sản thiếu mà chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lí của cấp có thẩm quyền, các khoản phải thu về bồi thường vật chất do cá nhân, tập thể gây ra hư hỏng làm mất mác vật tư, hàng hoá,..
3. Tầm quan trọng của việc thu hồi công nợ
Tuy có nhiều loại công nợ, nhưng quan trọng và có ảnh hưởng nhất đến các doanh nghiệp là các công nợ phải thu, vì việc thu hồi công nợ đóng vai trò then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của Doanh nghiệp.
Thu hồi nợ sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo được lợi nhuận kinh doanh của mình. Thực tế thì các doanh nghiệp đều mong muốn chiếm dụng vốn của các doanh nghiệp khác càng lâu, đặc biệt với hoàn cảnh mà kinh tế khó khăn như những năm gần đây. Hầu hết, các doanh nghiệp thực hiện việc chiếm dụng vốn của doanh nghiệp khác thông qua việc không thanh toán, hoặc kéo dài thời gian thanh toán đối với các khoản công nợ. Do đó, khi công nợ không được thu hồi, đồng nghĩa với việc phần lợi nhuận của doanh nghiệp không đảm bảo, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền, tài chính của doanh nghiệp.
Một lý do nữa khiến các doanh nghiệp cần chú ý đến việc thu hồi công nợ là việc để một khoản nợ càng lâu sẽ càng ít có khả năng thu hồi. Do các bên nợ nợ sau một khoảng thời gian không được nhắc nhở về việc thanh toán sẽ có xu hướng trì hoãn và tập trung để thanh toán các khoản nợ khác. Thậm chí, nhiều bên nợ bị mất khả năng thanh toán nợ có thể bị các chủ nợ khác khởi kiện và các tài sản của họ có khả năng bị cưỡng chế thi hành án, khi đó bên nợ sẽ không còn bất cứ tài sản nào để có thể thanh toán cho doanh nghiệp.
Có thể thấy thu hồi công nợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng với doanh nghiệp, đảm bảo cho sự an toàn về tài chính của doanh nghiệp, giúp vận hành bộ máy hoạt động hiệu quả và tránh rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Để việc thu hồi công nợ đạt hiệu quả, doanh nghiệp nên áp dụng đa dạng những chính sách, biện pháp thu hồi nợ. Nếu áp dụng các biện pháp thích hợp cho từng đối tượng, bên nợ thì khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Việc áp dụng các biện pháp thu hồi nợ trái pháp luật hoặc không thích hợp đối với bên nợ có thể khiến việc thu hồi nợ của doanh nghiệp khó khăn hơn rất nhiều.
Trên đây là bài viết của TNTP phân tích về Công nợ và tầm quan trọng của Thu hồi công nợ, mong bài viết này có ích với các doanh nghiệp.
Trân trọng,