Trong trường hợp các đối tác phát sinh công nợ từ hợp đồng, giao dịch trong quá trình hoạt động thì doanh nghiệp sẽ có quyền yêu cầu thanh toán. Tuy nhiên việc doanh nghiệp giãn thời hạn thanh toán các khoản nợ này có thể đem lại lợi ich lâu dài cho doanh nghiệp và cả đối tác mang nợ. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về việc: “Có nên đồng ý giãn thời hạn thanh toán cho các đối tác hay không?”
Việc chấp nhận giãn thời hạn thanh toán cho các đối tác sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: (i) Khả năng tài chính của doanh nghiệp, (ii) Đối tác mang nợ có lợi ích dài hạn với doanh nghiệp; và (iii) Đối tác gặp khó khăn về tài chính nhưng có khả năng khôi phục. Cụ thể:
1. Khả năng tài chính của doanh nghiệp tốt
Nếu khả năng tài chính của doanh nghiệp đang duy trì ở mức tốt và việc phát sinh các khoản nợ chưa ảnh hưởng quá nhiều đến dòng tiền của doanh nghiệp thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể dồn toàn bộ nguồn lực của mình để xây dựng, củng cố và phát triển khả năng sinh lời của doanh nghiệp thay vì tiến hành thu hồi ngay các khoản nợ. Khi đó, việc giãn thời hạn thanh toán với các đối tác mang nợ cũng là một cách để hỗ trợ và duy trì mối quan hệ với các đối tác này.
Tuy nhiên doanh nghiệp cần lưu ý rằng việc giãn thanh toán không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không theo dõi sát sao khoản nợ. Trong trường hợp bên nợ vẫn không thanh toán sau khi thời gian giãn nợ đã hết thì doanh nghiệp phải tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo khả năng thu hồi nợ.
2. Đối tác mang nợ có lợi ích dài hạn với doanh nghiệp
Nhiều trường hợp các đối tác tuy có những khoản nợ cần thu hồi, tuy nhiên do mối quan hệ gắn bó và lợi ích lâu dài mà doanh nghiệp có thể cân nhắc giãn thời hạn thanh toán với các đối tác này. Việc giãn hạn thanh toán phụ thuộc giá trị và lợi ích của đối tác với doanh nghiệp và khả năng thanh toán của phía đối tác. Vì trong nhiều trường hợp phía đối tác không còn khả năng tiếp tục kinh doanh thì việc giãn nợ lại là con dao hai lưỡi khi sẽ khiến doanh nghiệp bỏ lỡ thời gian thuận lợi để thu hồi khoản nợ mới phát sinh và khoản nợ có thể trở thanh nợ xấu sau thời gian giãn nợ.
Nếu đối tác mang nợ có khả năng đem lại lợi ích lớn hơn so với giá trị khoản nợ thì việc doanh nghiệp giãn thời hạn thanh toán là một hình thức hỗ trợ rất tốt khi các đối tác gặp khó khăn. Trong trường hợp các đối tác mang nợ có thể khôi phục sản xuất và thực hiện thanh toán nợ trong thời hạn giãn nợ thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác sẽ được cải thiện.
3. Đối tác gặp khó khăn về tài chính nhưng có khả năng khôi phục
Thông thường, việc đối tác mang nợ chủ động xin giãn thời hạn thanh toán có thể do đối tác đang gặp các khó khăn nhất định trong quá trình hoạt động. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc giãn thanh toán nếu biết đối tác thực sự đang gặp khó khăn về tài chính và hiện tại chưa thể thanh toán ngay khoản nợ. Khi đó, doanh nghiệp có thể chấp nhận lùi thời hạn thanh toán phù hợp với khoảng thời gian mà đối tác có thể ổn định khả năng tài chính như một hình thức tạo điều kiện hỗ trợ.
Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của mình, khi doanh nghiệp chỉ nên giới hạn thời gian giãn thanh toán khoản nợ tối đa 03 tháng để đảm bảo khả năng thu hồi công nợ. Ngoài ra, việc doanh nghiệp đồng ý giãn nợ sẽ phải đi kèm sự ràng buộc nhất định với bên nợ như yêu cầu bên nợ phải ký kết Biên bản đối chiếu công nợ hoặc đưa ra lộ trình thanh toán hợp lý bằng văn bản. Đây là các biện pháp đảm bảo phía đối tác sẽ phải thực hiện nghĩa vụ sau khi được doanh nghiệp tạo điều kiện vì trong rất nhiều trường hợp, phía đối tác sau khi được giãn nợ nhưng tiếp tục không thiện chí thanh toán sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp. Khi đó biện pháp đảm bảo sẽ đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiền hành các biện pháp pháp lý tiếp theo để thu hồi nợ.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Có nên đồng ý giãn thời hạn thanh toán cho các đối tác hay không?”. Mong rằng bài viết này sẽ đem lại giá trị cho các doanh nghiệp.
Trân trọng,