Năm 2020, kinh tế thế giới gặp khủng hoảng nghiêm trọng do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Sự xuất hiện của “kẻ gây rối” vô hình này đã ảnh hưởng tới tính ổn định nhất thời của nền kinh tế thị trường khi các quốc gia đóng cửa, thắt chặt biên giới, việc giao thương giữa các quốc gia, giữa các vùng miền bị giảm sút nghiêm trọng. Trước tình hình này, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã coi dịch bệnh Covid-19 như là một sự kiện bất khả kháng để được miễn trách nhiệm khi thực hiện các nghĩa vụ theo Hợp đồng. Vậy quy định của pháp luật hiện hành về sự kiện bất khả kháng là gì và Có được phép áp dụng điều khoản về sự kiện bất khả kháng đối với dịch bệnh COVID-19?
Sự kiện bất khả kháng và hậu quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng.
Khoản 1 Điều 156 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Nghĩa là, để coi một sự kiện là bất khả kháng, sự kiện đó cần đáp ứng đồng thời các điều kiện dưới đây.
Sự kiện xảy ra một cách khách quan.
Sự kiện xảy ra một cách khách quan là sự kiện xuất phát từ các yếu tố bên ngoài mà không xuất phát từ bất kỳ bên nào giao kết Hợp đồng.
Sự kiện không thể lường trước được.
Sự kiện không thể lường trước được khi sự kiện đó xảy ra nằm ngoài dự đoán của các bên tại thời điểm giao kết Hợp đồng.
Bên bị ảnh hưởng không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Về hậu quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng, Khoản 2 Điều 351 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định đã quy định rõ. “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên bị ảnh hưởng được miễn trách nhiệm, miễn nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng với bên kia, trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Từ những cơ sở pháp lý trên, chúng ta nên nhìn nhận như thế nào về dịch bệnh Covid-19? Liệu dịch bệnh Covid-19 có được coi là “phao cứu sinh” khi giải trừ nghĩa vụ cho bên bị ảnh hưởng hay không?
Dịch bệnh Covid-19 dưới góc nhìn pháp lý và việc áp dụng sự kiện bất khả kháng trên thực tế.
Có thể thấy rằng, Covid-19 xảy ra như một sự kiện khách quan và không thể lường trước được. Dẫn đến nhiều thiệt hại về người và tài sản mà hầu như không thể khắc phục được. Do đó, chúng tôi cho rằng Covid-19 có thể được coi là một sự kiện bất khả kháng. Vậy khi Covid-19 được coi là sự kiện bất khả kháng, thì sự kiện bất khả kháng này ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện Hợp đồng và các giao dịch khác của doanh nghiệp?
Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện như một làn sóng lớn làm chao đảo nền kinh tế và vô hình chung chia tách các doanh nghiệp thành hai (02) loại:
Doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng từ Covid-19:
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh ổn định với mức doanh thu tương tự như mức doanh thu của cùng kỳ năm ngoái. Đây là các doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng từ Covid-19. Do đó, chúng tôi cho rằng điều khoản về sự kiện bất khả kháng không cần thiết được áp dụng đối với các doanh nghiệp này.
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế, hoặc kinh doanh, điều phối hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội, phần mềm, ứng dụng điện tử… có hoạt động kinh doanh tốt hơn. Do nhu cầu về sức khỏe, giải trí, mua sắm tại nhà tăng cao. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, điều khoản về sự kiện bất khả kháng không cần thiết được áp dụng đối với những doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ Covid-19:
Trái lại, chúng tôi cho rằng điều khoản về sự kiện bất khả kháng cần được áp dụng đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi từ Covid-19. Đây có thể là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, thiệt hại nặng nề. Hoặc thậm chí đang đứng trên bờ vực phá sản. Buộc giải thể do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách của Chính phủ có liên quan đến việc ngăn chặn dịch bệnh.
Đầu tháng 4/ 2020, Chính phủ ban hành chính sách giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bất lợi trực tiếp từ chính sách giãn cách xã hội. Nguồn tài chính bị sụt giảm từ việc đóng cửa, đóng băng hoạt động kinh doanh. Ví dụ như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch, …
Trong thời điểm khủng hoảng của các doanh nghiệp này, việc áp dụng điều khoản về sự kiện bất khả kháng sẽ rất cần thiết khi giải trừ nghĩa vụ của bên chịu ảnh hưởng, góp phần làm giảm gánh nặng thực hiện nghĩa vụ cho doanh nghiệp theo các Hợp đồng đã giao kết.
Kết luận:
Như vậy, theo ý kiến của chúng tôi, dịch bệnh Covid-19 có thể được coi là sự kiện bất khả kháng. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng điều khoản về sự kiện bất khả kháng. Việc áp dụng này chỉ cần thiết đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi trực tiếp từ dịch bệnh. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng có lợi hoặc không chịu ảnh hưởng từ Covid-19, cần nghiêm túc tuân thủ thực hiện các điều khoản tại Hợp đồng đã giao kết và tạo điều kiện hỗ trợ những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bất lợi từ dịch bệnh. Hướng đến sự ổn định kinh tế, ổn định xã hội hậu Covid-19.
Hy vọng các thông tin tại bài viết “Có được phép áp dụng điều khoản về sự kiện bất khả kháng đối với dịch bệnh COVID-19?” này là hữu ích cho các bạn và công việc của các bạn.
Trân trọng.
Có thể bạn quan tâm đến: Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp khi vi phạm luật lao động trong mùa dịch COVID-19
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP & Các Cộng sự
Địa chỉ: Tầng 4 số 200 Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư: Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com