Quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp là quyền được luật hóa từ quyền tự do kinh doanh của con người được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các quy định liên quan đến chủ thể có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trừ một số chủ thể sau:
1. Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình
Theo Khoản 4 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình được hiểu là sử dụng thu nhập từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào một trong các mục đích sau đây:
- Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những cá nhân sau đây:
- i) Cán bộ, công chức, viên chức; ii) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; iii) Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân, công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
- Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
- Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.
Việc pháp luật quy định những chủ thể này không được thành lập và quản lý doanh nghiệp là nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong việc huy động, sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời cũng góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
2. Người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước
Các chủ thể có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước không được thành lập và quản lý doanh nghiệp bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.
Việc pháp luật quy định như vậy bởi vì các chủ thể trên đều là những người đang đảm nhiệm các công việc công, thực hiện các nhiệm vụ được nhà nước và nhân dân giao phó, có nghĩa vụ phải tận tâm hết lòng phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân. Đồng thời, việc hạn chế quyền trên nhằm tránh tình trạng tham ô, tham nhũng, lợi dụng vị trí của mình để tư lợi bất chính.
3. Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân
Đối với cá nhân, các trường hợp trên đều thuộc các đối tượng không có hoặc có năng lực hành vi dân sự không đầy đủ. Những đối tượng này sẽ bị hạn chế khả năng thực hiện các nghĩa vụ của họ, vì vậy, pháp luật hạn chế quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp của các chủ thể này.
Đối với tổ chức, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, tổ chức không có tư cách pháp nhân khi không đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản, nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
4. Chủ thể đang chịu hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi vi phạm quy định về thành lập và quản lý doanh nghiệp
Chủ thể này được quy định cụ thể tại Điểm e, g Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, bao gồm:
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
5. Trường hợp không được thành lập và quản lý doanh nghiệp được quy định trong Luật phá sản năm 2014
Ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp phá sản với lý do bất khả kháng thì:
- Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản.
- Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.
- Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật Phá sản năm 2014 thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, làm người quản lý doanh nghiệp trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.
Trên đây là bài viết “Chủ thể có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,