Trong các chế tài xử lý vi phạm khi thực hiện hợp đồng, phạt vi phạm được coi là một trong những chế tài thường được các bên sử dụng, bên cạnh chế tài buộc bồi thường thiệt hại. Việc thỏa thuận áp dụng phạt vi phạm sẽ giúp các bên có ý thức thực hiện hợp đồng nghiêm túc, trách nhiệm hơn và là căn cứ để bên bị vi phạm buộc bên vi phạm chịu khoản phạt nhất định, nhằm khắc phục phần nào hậu quả do hành vi vi phạm mang lại.
Quy định của pháp luật về chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng
Vấn đề phạt vi phạm được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS”) và Luật Thương mại năm 2005 (“LTM”), theo đó phạt vi phạm được hiểu là sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Như vậy, để áp dụng chế tài phạt vi phạm thì các bên bắt buộc phải có sự thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng.
BLDS và LTM tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về phạt vi phạm, tuy nhiên pháp luật đặt ra các giới hạn nhất định về mức phạt vi phạm trong một số trường hợp. Khoản 2 Điều 418 BLDS quy định rằng mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Điều 301 LTM cũng quy định về mức phạt vi phạm, theo đó mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp phạt vi phạm khi kết quả giám định sai.
Trong lĩnh vực thương mại, các bên cần xác định, phân biệt rõ ràng giữa giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm với giá trị hợp đồng, theo đó giá trị hợp đồng có nội hàm rộng hơn so với giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Bên vi phạm sẽ phải chịu mức phạt tính trên giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, mà không phải tính trên giá trị của hợp đồng. Ví dụ, trong hợp đồng mua bán, khi bên mua thanh toán chậm, bên mua chỉ phải chịu phạt vi phạm trên giá trị bị thanh toán chậm mà không phải toàn bộ giá trị hợp đồng.
Điều kiện áp dụng chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng
Để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm, các bên cần phải đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:
- Các bên có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng, việc phạt vi phạm có thể được áp dụng khi một hoặc các bên thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận trong hợp đồng thì bên bị vi phạm sẽ không được áp dụng chế tài này khi bên còn lại có hành vi vi phạm. Đây là quy định mang tính nguyên tắc, bắt buộc các bên phải thỏa thuận nếu như muốn áp dụng chế tài phạt vi phạm. Thỏa thuận phạt vi phạm có thể đã tồn tại kể từ khi các bên ký kết hợp đồng hoặc được các bên bổ sung trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm vượt quá mức phạt do pháp luật quy định thì khi phát sinh tranh chấp, mức phạt vi phạm sẽ được ấn định bằng mức phạt do pháp luật quy định. Trong lĩnh vực thương mại, nếu các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm thì phần vượt quá không có hiệu lực và mức phạt chỉ được xác định đúng theo luật định.
- Một hoặc các bên thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm hợp đồng, và theo thỏa thuận trong hợp đồng, khi thực hiện một hoặc các hành vi này, bên vi phạm phải chịu phạt vi phạm. Việc thỏa thuận về phạt vi phạm chỉ được coi là điều kiện cần, còn để việc phạt vi phạm phát sinh trên trên thực tế thì cần phải đáp ứng thêm điều kiện đủ, chính là một hoặc các bên thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm hợp đồng.
- Hành vi vi phạm hợp đồng không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm. Các trường hợp được miễn trách nhiệm bao gồm:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia, trường hợp bên vi phạm có một phần lỗi thì sẽ phải chịu mức phạt vi phạm tương ứng với phần lỗi của mình;
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Bên vi phạm hợp đồng sẽ có nghĩa vụ chứng minh về các trường hợp được miễn trách nhiệm của mình, nếu không chứng minh được thì đồng nghĩa với việc bên vi phạm không được miễn trách nhiệm, thay vào đó sẽ phải chịu các khoản phạt vi phạm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Phân biệt quy định phạt vi phạm trong BLDS và phạt vi phạm trong LTM
- Về lĩnh vực áp dụng: phạt vi phạm trong BLDS áp dụng đối với các vi phạm về lĩnh vực dân sự nói chung, còn phạt vi phạm trong Luật thương mại được áp dụng đối với các hoạt động kinh doanh thương mại, diễn ra chủ yếu giữa các thương nhân, bao gồm hoạt động nhằm mục đích sinh lợi như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại,… Thương nhân được xác định là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
- Về mức phạt vi phạm: BLDS không quy định về giới hạn mức phạt vi phạm, trừ khi pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù, theo đó các bên có thể tự do thỏa thuận về mức phạt vi phạm. LTM giới hạn về mức phạt vi phạm, cụ thể là mức phạt sẽ do các bên thỏa thuận nhưng sẽ không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, trừ trường hợp phạt vi phạm khi kết quả giám định sai.
Doanh nghiệp có bắt buộc thỏa thuận phạt vi phạm trong quá trình soạn thảo hợp đồng?
Phạt vi phạm là một trong các chế tài để xử lý, giải quyết các vi phạm của một hoặc các bên trong quá trình xác lập, thực hiện và chấm dứt hợp đồng. Pháp luật hiện hành không quy định về việc các bên phải thỏa thuận về phạt vi phạm, tuy nhiên để áp dụng được chế tài này thì các bên phải thỏa thuận trong hợp đồng.
Các bên nên thỏa thuận về chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng để:
(i) Đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng;
(ii) Tạo ra sự ngăn ngừa, giáo dục đối với bên vi phạm;
(iii) Giúp bên bị vi phạm có căn cứ chứng minh, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm.
Như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp mong muốn áp dụng phạt vi phạm thì cần phải thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng về các hành vi vi phạm hợp đồng sẽ phải chịu phạt vi phạm và mức phạt vi phạm tương ứng với từng hành vi, thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ nộp khoản tiền phạt vi phạm,…
Trên đây là bài viết “Chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.