Trách nhiệm dân sự là hậu quả bất lợi mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật dân sự. Vì vậy, bất kể đối tượng là cá nhân hay pháp nhân đều phải chịu trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm. Vậy trong trường hợp nào thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích và đưa ra các trường hợp chịu trách nhiệm dân sự của pháp nhân.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, trách nhiệm dân sự của pháp nhân được đặt ra trong các trường hợp như sau:
1. Khi người đại diện của pháp nhân xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân
Về nguyên tắc, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. Người này có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền. Ngược lại, những trường hợp người đại diện không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện cho pháp nhân gây thiệt hại cho chủ thể khác thì pháp nhân không phải chịu trách nhiệm dân sự hành vi đó. Tuy nhiên, pháp luật quy định một số trường hợp ngoại lệ mà pháp nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trong hai trường hợp này, cụ thể theo Điều 142 và Điều 143 của Bộ luật Dân sự 2015.
- Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đã công nhận giao dịch;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.
- Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đồng ý;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
Ví dụ: A là trưởng phòng kinh doanh của công ty B, mặc dù không được người đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền ký kết hợp đồng mua bán với khách hàng, nhưng A lợi dụng chức danh của mình để ký kết hợp đồng với khách hàng. Trong trường hợp này, A phải chịu trách nhiệm dân sự phát sinh từ hợp đồng và công ty B không phải chịu trách nhiệm đối với hợp đồng mà A đã ký kết với khách hàng.
Do vậy, cần phân biệt hành vi của cá nhân với hành vi của pháp nhân để xác định trách nhiệm pháp lý phát sinh từ hành vi đó, hạn chế thiệt hại cho pháp nhân cũng như xác định đúng đối tượng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
2. Khi sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân
Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Do đó, sau khi pháp nhân được thành lập, nếu việc thực hiện thành lập, đăng ký pháp nhân của sáng lập viên hoặc người đại diện của sáng lập viên gây thiệt hại cho chủ thể khác thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự và phải bồi thường thiệt hại cho những chủ thể bị xâm phạm.
3. Khi người làm công, người học nghề của pháp nhân gây ra trong khi thực hiện công việc được pháp nhân giao
Trong quá trình thực hiện công việc được pháp nhân giao, nếu người làm công, người học nghề gây thiệt hại cho chủ thể khác liên quan trực tiếp đến công việc mà pháp nhân giao thì pháp nhân phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Bởi trong trường hợp này, hành vi của người làm công, người học nghề được hiểu là hành vi của pháp nhân, do đó trách nhiệm dân sự trước hết thuộc về pháp nhân.
Tuy nhiên, nếu hành vi gây thiệt hại trên được chứng minh là do lỗi của người làm công, người học nghề thì pháp nhân có quyền yêu cầu người này phải bồi thường thiệt hại theo mức độ lỗi của họ theo quy định của pháp luật. Do đó, việc xác định mức độ lỗi là rất quan trọng và là cơ sở để xác định số tiền bồi thường thiệt hại của người làm công, người học nghề đối với pháp nhân.
Trên đây là bài viết “Các trường hợp chịu trách nhiệm dân sự của pháp nhân”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,