Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là tranh chấp trong hoạt động kinh tế xã hội, có các dấu hiệu quốc tế như phát sinh ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài,… và có hoạt động thương mại thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng. Bởi vì liên quan đến yếu tố nước ngoài nên việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng này thường rất phức tạp. Do vậy, việc nhận diện các dạng tranh chấp thường phát sinh sẽ giúp các bên phần nào phòng tránh rủi ro, tranh chấp cho các bên.

1. Tranh chấp do bên bán vi phạm hợp đồng

Các tranh chấp phát sinh do bên bán vi phạm hợp đồng bao gồm các dạng chủ yếu như sau: Bên bán không giao hàng; giao hàng không đúng thời gian, địa điểm được thỏa thuận; không giao hoặc giao chậm chứng từ liên quan đến hàng hóa; giao hàng không đúng quy cách, chất lượng, tiêu chuẩn; giao hàng không đúng, không đủ về số lượng, mẫu mã, chủng loại; không hoàn trả lại khoản tiền mà bên mua đã đặt cọc, tạm ứng, thanh toán dù bên bán không giao được hàng hóa; không thực hiện việc bảo hành hàng hóa theo thỏa thuận cho bên mua;…

Giao hàng không đúng thời hạn là một dạng tranh chấp khá phổ biến trong thương mại quốc tế. Nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp này rất đa dạng như: Kế hoạch sản xuất và giao hàng có lỗi, việc sản xuất hàng hóa bị chậm trễ, do vận chuyển gặp sự cố hoặc do các sự kiện bất khả kháng,… Để giải quyết tranh chấp này, các bên nên quy định trong hợp đồng về chế tài mà bên bán phải chịu khi có vi phạm, ví dụ như phải bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm,…; bên mua có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và bên bán phải hoàn trả cho bên mua toàn bộ số tiền mà bên mua thanh toán cho bên bán mà không nhận được hàng;… Ngoài ra, khi tranh chấp phát sinh, các bên có thể thương lượng, thỏa thuận về việc thay đổi thời gian giao hàng.

Tranh chấp liên quan đến chất lượng hàng hóa phát sinh khi hàng hóa được giao không đáp ứng các thông số kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Tranh chấp phát sinh có thể do sự khác biệt về tiêu chuẩn chất lượng giữa các quốc gia, sự cố trong quá trình sản xuất hoặc do lỗi trong quá trình vận chuyển,… Để giải quyết tranh chấp này, các bên nên quy định trong hợp đồng về chế tài mà bên bán phải chịu khi có vi phạm, ví dụ như phải bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm; hoàn trả khoản tiền mà bên mua đã thanh toán tương ứng với số lượng hàng hóa không đảm bảo chất lượng; bảo hành hoặc đổi trả sản phẩm mới;…

Khác với việc mua bán hàng hóa trong nước, bên bán có thể không giao cho bên mua đầy đủ chứng từ hàng hóa, tùy vào thỏa thuận của các bên (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Xuất phát từ đặc điểm của hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế là hàng hóa được chuyển giao qua các quốc gia khác nhau nên để hàng hóa được thông quan nhập khẩu, bên mua phải cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ theo quy định pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nước nhập khẩu. Do vậy, các bên nên thỏa thuận cụ thể về các loại chứng từ mà bên bán cần giao cho bên mua và thời hạn giao các loại chứng từ này,… Điều này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên mua trong việc có đủ cơ sở pháp lý để làm thủ tục nhận hàng và thanh toán tiền hàng, cũng như xác định nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn, tính hợp pháp của hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Tranh chấp do bên bán vi phạm hợp đồng

Các tranh chấp phát sinh do bên mua vi phạm hợp đồng bao gồm các dạng chủ yếu như sau: Bên mua nhận hàng chậm hoặc không nhận hàng; không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ hoặc thanh toán chậm tiền hàng cho bên bán;…

Theo đó, tranh chấp do bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán là một trong những tranh chấp điển hình, thường phát sinh trong quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế. Để hạn chế tranh chấp này phát sinh, bên bán nên yêu cầu bên mua thanh toán trước cho bên bán một phần giá trị đơn đặt hàng (có thể là 30-50% giá trị đơn đặt hàng), đối với giá trị đơn đặt hàng còn lại nên chọn phương thức thanh toán LC (Letter of Credit – Tín dụng chứng từ). Phương thức thanh toán này dù tốn chi phí nhiều hơn phương thức thanh toán TT (Telegraphic Transfer – Chuyển tiền bằng điện) nhưng được sử dụng phổ biến trong các giao dịch thương mại quốc tế vì tính an toàn hơn phương thức TT, do đó phần nào bảo đảm quyền lợi cho bên mua và bên bán. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng về chế tài khi bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán như phạt vi phạm, chịu lãi suất chậm thanh toán.

3. Các tranh chấp khác

Ngoài ra, các tranh chấp sau đây có thể phát sinh trong trường hợp các bên không thỏa thuận rõ ràng, chính xác trong hợp đồng như: Tranh chấp về luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ áp dụng,… Do hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường được giao kết giữa các chủ thể từ các quốc gia khác nhau nên các tranh chấp kể trên thường dễ phát sinh.

Do vậy, việc xác định và quy định cụ thể, chính xác trong hợp đồng về luật áp dụng để giải quyết tranh chấp, luật áp dụng để điều chỉnh hợp đồng, cơ quan giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ ưu tiên áp dụng trong trường hợp phát sinh tranh chấp và ngôn ngữ được dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp,… là vô cùng quan trọng. Việc này phần nào thúc đẩy tranh chấp được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

Trên đây là bài viết “Các dạng tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phổ biến” mà TNTP gửi đến độc giả. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.