Hợp đồng mua bán hàng hóa là một loại hợp đồng thương mại phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong giao dịch kinh doanh. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, sự vi phạm hợp đồng có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến những lợi ích mà các bên hướng tới. Trong trường hợp này, chế tài được áp dụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên bị vi phạm và đảm bảo rằng bên vi phạm phải gánh chịu các hậu quả pháp lý tương xứng với hành vi của mình. Bài viết này sẽ phân tích một số chế tài mà các bên có thể áp dụng đối với bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa.

1. Các loại tranh chấp điển hình trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa, bất kỳ bên nào có khả năng vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng và từ đó phát sinh tranh chấp giữa các bên.

Các tranh chấp chủ yếu phát sinh do bên mua vi phạm nghĩa vụ bao gồm: i) Tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán, thường xuất phát từ việc bên mua chậm thanh toán, không thanh toán, hoặc thanh toán không đủ giá trị đã thỏa thuận trong hợp đồng; ii) Tranh chấp về nghĩa vụ nhận hàng, thường phát sinh khi bên mua không thực hiện việc nhận hàng theo đúng thời hạn hoặc theo các điều kiện đã thỏa thuận.

Các tranh chấp chủ yếu phát sinh do bên bán vi phạm nghĩa vụ gồm: i) Tranh chấp do giao hàng không đúng thời hạn, theo đó bên bán không giao hàng đúng vào thời điểm đã quy định trong hợp đồng; ii) Tranh chấp về chất lượng và số lượng hàng hóa, bao gồm các trường hợp hàng hóa giao không đúng chủng loại, số lượng, hoặc không đảm bảo chất lượng theo thỏa thuận.

2. Các chế tài được áp dụng khi một trong các bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng

Để đảm bảo quyền lợi của mình, các bên có thể quy định trong hợp đồng mua bán hàng hóa về các chế tài mà mỗi bên phải chịu khi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng như sau:

Buộc thực hiện đúng hợp đồng

Việc bất kỳ bên nào không thực hiện, thực hiện không đúng cam kết trong hợp đồng là cơ sở để bên còn lại áp dụng chế tài này. Theo đó, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu các chi phí phát sinh. Ví dụ, khi bên bán đã giao hàng hóa đúng cam kết trong hợp đồng nhưng bên mua không nhận hàng, bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác như thanh toán giá bán chênh lệch trong trường hợp bên bán bán hàng hóa này cho bên khác.

Bên bị vi phạm có thể áp dụng chế tài này trước khi sử dụng các chế tài khác mà không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm hợp đồng. Bên bị vi phạm có thể áp dụng chế tài này trong những trường hợp mà việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng không ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của mình.

Phạt vi phạm

Phạt vi phạm là một chế tài được áp dụng phổ biến đối với tất cả các hành vi vi phạm các điều khoản của hợp đồng, bất kể hành vi này đã gây ra thiệt hại hay chưa. Để áp dụng chế tài này, các bên phải có thỏa thuận về phạt vi phạm, theo đó, nên quy định cụ thể về một số nội dung như mức phạt, hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng chế tài phạt vi phạm, thời hạn thanh toán khoản phạt vi phạm. Về mức phạt vi phạm tối đa, Căn cứ Điều 301 Luật Thương mại năm 2005, mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm không được vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Buộc bồi thường thiệt hại

Để áp dụng chế tài này, các căn cứ cần đáp ứng bao gồm: có hành vi vi phạm hợp đồng; bên vi phạm không được miễn trách nhiệm, có thiệt hại thực tế xảy ra, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Bên bị vi phạm được bồi thường giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Để áp dụng chế tài này, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất và hạn chế những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra.

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Trong trường hợp này, hợp đồng mua bán hàng hóa vẫn còn hiệu lực.
Ví dụ, khi bên bán giao hàng không đủ số lượng thì bên mua có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán giao đầy đủ hàng hóa hoặc khi bên mua không thanh toán, thanh toán không đầy đủ thì bên bán có quyền tạm ngừng việc giao hàng đối với các đơn đặt hàng cho đến khi bên mua thanh toán đầy đủ.

Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Theo đó, hợp đồng chấm dứt hiệu lực từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.

Hủy bỏ hợp đồng là sự kiện pháp lý mà hậu quả của nó làm cho phần hợp đồng bị hủy bỏ không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Hủy bỏ hợp đồng có thể là hủy bỏ một phần hợp đồng hoặc hủy bỏ toàn bộ hợp đồng. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ của hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng. Khi một hợp đồng bị hủy bỏ toàn bộ, hợp đồng được coi là không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. Các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi hủy bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.

Đối với các chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng, trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm hợp đồng, các chế tài này được áp dụng khi có một trong các điều kiện sau: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để áp dụng chế tài hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế

Các bên có thể thoả thuận thêm các chế tài khác như cầm giữ tài sản, phong khoá tài khoản, yêu cầu bên vi phạm phải chịu tiền lãi do chậm thanh toán,… ví dụ như bên mua phải thanh toán tiền lãi chậm thanh toán với mức lãi suất theo thỏa thuận trong trường hợp bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Trên đây là bài viết “Các chế tài được áp dụng khi một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán hàng hóa mà TNTP gửi đến Quý độc giả. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, Quý độc giả vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,