Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện của yêu cầu phản tố là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động tố tụng tại Tòa án. Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xét xử, giúp các đương sự bảo vệ được các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. Ngày 25/11/2021, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Án lệ số 44/2021/AL và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31/12/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Bài viết dưới đây, TNTP chia sẻ nhận định về Án lệ số 44/2021/AL và cung cấp các thông tin cần thiết về xác định thời hiện khởi kiện của yêu cầu phản tố.
Tóm tắt án lệ
1. Tóm tắt tranh chấp
Án lệ số 44/2021/AL án lệ về là vụ án kinh doanh thương mại “tranh chấp Hợp đồng tư vấn thiết kế” giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần H (“Công ty H”) với bị đơn là Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng P (“Công ty P”).
Ngày 29/01/2008, Công ty H và Công ty P ký Hợp đồng tư vấn thiết kế (“Hợp đồng”) với nội dung, cụ thể:
- Công ty P có trách nhiệm thiết kế toàn bộ dự án “trung tâm thương mại-khách sạn 4 sao HD Hotel” trên khu đất diện tích 8.971m2 tại D7, phường X, quận T, thành phố Hà Nội do Công ty H là chủ đầu tư;
- Tổng giá trị Hợp đồng là 1.754.550 USD (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng);
- Công việc được phân bổ theo ba giai đoạn: giai đoạn 1 thiết kế xây dựng, giai đoạn 2 thiết kế nội thất cảnh quan và giai đoạn 3 giám sát tác giả.
Công ty H đã chuyển tiền thanh toán cho Công ty P theo 02 đợt quy định trong Hợp đồng, tổng số tiền thanh toán 02 đợt nêu trên là 396.751,75 USD, tương đương với 6.374.689.675 đồng.
Sau đó, do thay đổi quy mô dự án và hai bên không thỏa thuận được về điều chỉnh giá trị Hợp đồng cho thiết kế mới nên Công ty H đơn phương chấm dứt Hợp đồng và có tranh chấp với Công ty P về giá trị thanh toán.
Công ty H cho rằng đã tạm ứng thanh toán thừa so với khối lượng công việc thực tế mà Công ty P đã thực hiện trong lần thanh toán thứ nhất. Do đó, Công ty H chỉ chấp nhận thanh toán cho Công ty P số tiền chiếm khoản 8% phí thiết kế xây dựng cho cả hai lần thanh toán. Ngoài ra, Công ty H chỉ chấp nhận chịu khoản tiền phạt tương đương với 1% giá trị Hợp đồng.
Tuy nhiên, Công ty P không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại tiền của nguyên đơn do đây là tiền Công ty H đã thanh toán cho Công ty P theo tiến độ thỏa thuận trong Hợp đồng, không phải là tiền tạm ứng.
Công ty P cũng có Đơn phản tố, yêu cầu Công ty H ngòai việc phải chịu khoản tiền phạt thì Công ty H phải tiếp tục thanh toán cho Công ty P đợt thanh toán lần 3 do Công ty P đã hỗ trợ xong về mặt kỹ thuật để phê duyệt hồ sơ thiết kế của dự án.
2. Các kết luận của Tòa án
Ngày 20/06/2011, TAND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội ban hành bản án sơ thẩm số 01/2011/KDTM-ST quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty H đối với Công ty P. Buộc Công ty P phải hoàn trả cho Công ty H số tiền tạm ứng của Hợp đồng là 272.571.41 USD tương đương với 5.642.228.187 đồng. TAND quận Hoàn Kiếm bác yêu cầu phản tố của Công ty P đối với Công ty H.
Ngày 1/07/2011, Công ty P kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại bản án phúc thẩm số 27/2011/KDTM-PT ngày 21/09/2011, TAND thành phố Hà Nội quyết định không chấp nhận kháng cáo của của Công ty P và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm số số 01/2011/KDTM-ST.
Sau đó, Công ty P tiếp tục có đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.
Ngày 15/09/2014, Chánh án TAND tối cao ban hành Quyết định kháng nghị số 60/2014/KN-KDTM đã kháng nghị bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 27/2011/KDTM-PT ngày 21/09/2011 của TAND thành phố Hà Nội.
Theo đó, Chánh án TAND tối cao đề nghị Tòa kinh tế TAND tối cáo xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nêu trên. Đồng thời, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.
3. Nội dung án lệ
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Theo đó tòa án nhận định, về yêu cầu phản tố, nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm tại Bản án số 82/2020/KDTM-PT về việc yêu cầu phản tố không bị giới hạn thời hiệu khởi kiện là không đúng. Theo các quy định của Bộ luật tố dụng dân sự (“BLTTDS”) năm 2004 và BLTTDS 2015, yêu cầu phản tố là yêu cầu không nằm trong yêu cầu của nguyên đơn, có thể được giải quyết bằng một vụ án độc lập; việc giải quyết yêu cầu phản tố trong cùng vụ án là để kết quả giải quyết chính xác và nhanh hơn. Yêu cầu phả tố cũng chính là yêu cầu khởi kiện nên phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện. Do đó, trường hợp có yêu cầu phản tố và có đương sự trong vụ án đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện thì tòa án cấp sơ thẩm và tòa án phúc thẩm phải xác định xem yêu cầu phản tố đó còn thời hiệu khởi kiện hay không mới đúng quy định pháp luật.
Bình luận án lệ
BLTTDS 2004 và BLTTDS 2015 đều không có quy định rõ ràng về thời hiệu đối với yêu cầu phản tố. Do đó, trước khi có án lệ số 44/2021/AL, đã có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau về việc có cần xác định thời hiệu của yêu cầu phản tố hay không ? Quan điểm thứ nhất cho rằng: Yêu cầu phản tố cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện. Quan điểm thứ hai cho rằng: Yêu cầu phản tố không phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện vì thời hiệu khởi kiện chỉ áp dụng với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Án lệ số 44/2021/AL được ban hành đã giải quyết vướng mắc, thống nhất được quan điểm xét xử của các tòa án về thời hiệu của yêu cầu phản tố cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện.
TNTP nhận định yêu cầu phản tố cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện vì sở dĩ xác định yêu cầu phản tố như một yêu cầu khởi kiện, cụ thể:
- Thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện theo quy định của BLTTDS về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn muốn đưa ra yêu cầu phản tố phải thể hiện bằng đơn có nội dung giống với đơn khởi kiện, phải nộp tạm ứng án phí nếu không thuộc trường hợp được miễn, kèm theo đơn phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
- Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của BLTTDS 2015.
- Bị đơn có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác nếu yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án.
Như vậy, bản chất của yêu cầu phản tố chính là yêu cầu khởi kiện của bị đơn đối với nguyên đơn, yêu cầu này không phát sinh trên cơ sở của yêu cầu khởi kiện, nó là yêu cầu độc lập với yêu cầu khởi kiện. Yêu cầu phản tố có thể được giải quyết bằng một vụ án khác. Mục đích của yêu cầu phản tố là để bù trừ hoặc loại trừ yêu cầu của nguyên đơn. Việc giải quyết yêu cầu phản tố trong cùng vụ án là để nhanh hơn, chính xác, thuận tiện hơn cho đương sự. Do yêu cầu phản tố được coi như một yêu cầu khởi kiện nên cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện.
Trên đây nội dung của án lệ số 44/2021/AL và nhận định của TNTP về việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện của yêu cầu phản tố. Hi vọng bài viết trên đây giúp ích cho bạn.
Trân trọng.