Việc bỏ dở thi công công trình xây dựng bởi Nhà thầu là một trong những vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình mà còn dẫn đến những hệ lụy tài chính và pháp lý cho cả Chủ đầu tư và Nhà thầu. Bài viết này, TNTP sẽ phân tích nguyên nhân, hệ quả và các biện pháp xử lý khi Nhà thầu bỏ dở thi công công trình xây dựng.

1. Căn cứ pháp lý về việc Nhà thầu khi bỏ dở thi công

• Pháp luật hiện hành không đưa ra định nghĩa cụ thể về “bỏ dở thi công”. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng “bỏ dở thi công” là tình trạng khi nhà thầu ngừng thực hiện công việc xây dựng trước khi công trình được hoàn thành mà không có căn cứ hoặc không được sự đồng ý của Chủ đầu tư.

• Khi Nhà thầu bỏ dở việc thi công cần phải xác định nguyên nhân của việc bỏ dở thi công và việc thi công bỏ dở của Nhà thầu có thuộc trường hợp được tạm ngưng hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật và hợp đồng Chủ đầu tư ký kết với Nhà thầu. Bởi trong một số trường hợp việc Nhà thầu bỏ dở thi công thuộc trường hợp được tạm nhưng hoặc chấm dứt hợp đồng đáp ứng quy định pháp luật và thỏa thuận tại hợp đồng, chẳng hạn như do sự kiện bất khả kháng, vi phạm từ phía Chủ đầu tư, hoặc những lý do hợp lý khác.

• Ngược lại, nếu việc bỏ dở thi công không nằm trong các trường hợp được quy định thì có thể coi đây là hành vi vi phạm hợp đồng của Nhà thầu. Thông thường trong thỏa thuận tại nội dung hợp đồng, Nhà thầu và Chủ đầu tư sẽ xác định thời gian hoàn thành công việc và quy định về các tiêu chuẩn kỹ thuật được thỏa thuận. Do đó, trong trường hợp Nhà thầu không thực hiện đúng nghĩa vụ này, họ sẽ có thể bị coi là vi phạm hợp đồng và sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự chậm trễ và những tổn thất phát sinh cho Chủ đầu tư.

• Bên cạnh đó, hành vi bỏ dở thi công còn có thể dẫn đến việc Nhà thầu bị áp dụng các biện pháp chế tài khác theo hợp đồng, như yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có cho Chủ đầu tư và toàn bộ chi phí phát sinh để khắc phục hậu quả và thuê Nhà thầu khác tiếp tục hoàn thành phần công việc còn lại chưa được thực hiện.

2. Biện pháp xử lý khi Nhà thầu bỏ dở thi công

Căn cứ theo quy định tại Khoản 23 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, Khoản 1 Điều 145 Luật Xây dựng 2014 và các văn bản pháp luật liên quan, trong trường hợp Nhà thầu bỏ dở thi công, Chủ đầu tư có thể áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình, trong đó bao gồm:

• Thông báo vi phạm, yêu cầu giải trình và khắc phục: Chủ đầu tư cần thông báo chính thức bằng văn bản cho Nhà thầu về hành vi vi phạm và yêu cầu họ thực hiện các biện pháp khắc phục trong một thời gian nhất định. Đây là bước quan trọng để tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xử lý tiếp theo.

• Tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng: Nếu Nhà thầu không có động thái khắc phục trong khoảng thời gian các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng hoặc thời gian Chủ đầu tư nêu tại thông báo, Chủ đầu tư có quyền chấm dứt hợp đồng. Việc này phải được thực hiện theo quy trình đã được quy định trong Hợp đồng hoặc theo quy định pháp luật để tránh rủi ro pháp lý từ phía Nhà thầu.

• Lựa chọn Nhà thầu thay thế: Đối với phần công việc chưa được thực hiện, Chủ đầu tư có quyền thuê một Nhà thầu khác để tiếp tục thi công. Tuy nhiên, Chủ đầu tư cần lưu ý rằng, tùy thuộc vào tính chất của từng dự án, công trình pháp luật sẽ có quy định về hình thức và phương pháp lựa chọn Nhà thầu thay thế. Dựa theo thỏa thuận tại hợp đồng, các chi phí phát sinh từ việc này, Chủ đầu tư có thể yêu cầu Nhà thầu vi phạm bồi thường.

• Sử dụng bảo lãnh thực hiện hợp đồng: Nếu hợp đồng có điều khoản bảo lãnh thực hiện, chủ đầu tư có thể yêu cầu ngân hàng phát hành bảo lãnh chi trả khoản tiền bảo lãnh để bù đắp một phần thiệt hại do việc bỏ dở thi công của nhà thầu.

• Yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng: Chủ đầu tư có thể khởi kiện Nhà thầu để yêu cầu bồi thường các thiệt hại đã chịu do hành vi bỏ dở thi công, bao gồm chi phí thuê Nhà thầu mới và các tổn thất khác như chi phí giám sát, chi phí vật tư bị hư hại, hoặc chậm trễ trong việc đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời thì dựa trên thỏa thuận Hợp đồng và quy định pháp luật về mức phạt vi phạm, Chủ đầu tư có thể yêu cầu Nhà thầu thanh toán khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng.

3. Khuyến nghị đối với Chủ đầu tư

Để giảm thiểu các rủi ro pháp lý và tài chính khi Nhà thầu bỏ dở thi công, Chủ đầu tư cần cân nhắc thực hiện các bước sau:

• Đánh giá kỹ năng lực và uy tín của Nhà thầu trước khi ký kết hợp đồng: Trước khi chọn Nhà thầu, Chủ đầu tư cần tiến hành đánh giá cẩn thận về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của Nhà thầu để đảm bảo họ có khả năng hoàn thành công việc đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.

• Thỏa thuận chi tiết và chặt chẽ các điều khoản hợp đồng: Hợp đồng nên được soạn thảo kỹ lưỡng với các điều khoản rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp tạm dừng, chấm dứt hợp đồng, chế tài khi vi phạm và quy trình giải quyết tranh chấp.

• Theo dõi tiến độ thi công và tổ chức đối thoại: Chủ đầu tư cần duy trì một hệ thống giám sát chặt chẽ nhằm theo dõi tiến độ và chất lượng công trình. Việc này giúp Chủ đầu tư kịp thời phát hiện các vấn đề, từ đó chủ động tổ chức đối thoại với Nhà thầu để tìm ra biện pháp khắc phục nhanh chóng, ngăn chặn tình trạng bỏ dở thi công.

• Tham vấn chuyên môn từ đội ngũ pháp lý: Để giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh khi Nhà thầu vi phạm, Chủ đầu tư nên chủ động trao đổi với luật sư hoặc đội ngũ pháp lý của doanh nghiệp để đưa ra phương an xử lý phù hợp. Điều này đảm bảo quá trình xử lý tuân thủ đúng quy định pháp luật và thỏa thuận tại hợp đồng, giúp giảm thiểu tối đa sai sót và rủi ro pháp lý tiềm ẩn.

• Khởi kiện để bảo vệ quyền lợi: Trong trường hợp Nhà thầu không đáp ứng nghĩa vụ thi công và gây ra thiệt hại nghiêm trọng, Chủ đầu tư cần xem xét việc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Việc Nhà thầu bỏ dở thi công là một thách thức lớn đối với Chủ đầu tư. Để bảo vệ quyền lợi và đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ và chất lượng, Chủ đầu tư cần có các biện pháp xử lý kịp thời và hợp lý. Việc xây dựng các điều khoản hợp đồng chặt chẽ, kết hợp với việc giám sát thường xuyên trong quá trình thi công sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ lợi ích của các bên liên quan.

Trên đây là bài viết “Biện pháp xử lý khi Nhà thầu bỏ dở thi công công trình xây dựng” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.

Trân trọng,