Bảo vệ môi trường trong xây dựng là một yêu cầu quan trọng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nhà thầu xây dựng – với vai trò là đơn vị trực tiếp thi công – có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật và triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thực hiện dự án. Thông qua bài viết này, TNTP gửi đến quý độc giả nội dung quy định của pháp luật về quyền và trách nhiệm của nhà thầu đối với việc bảo vệ môi trường trong xây dựng.

1. Nghĩa vụ pháp lý của nhà thầu trong bảo vệ môi trường trong xây dựng

Theo quy định pháp luật hiện hành, nhà thầu xây dựng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được quy định ở Điều 116 Luật Xây dựng; các Điều 64, Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan. Các nghĩa vụ cụ thể nhà thầu phải thực hiện bao gồm:

• Đánh giá tác động môi trường: Đối với Dự án xây dựng, Chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai dự án. Khi đó, Nhà thầu có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung đã được phê duyệt.

• Kiểm soát chất thải rắn và phế thải xây dựng: Nhà thầu phải thu gom, phân loại và xử lý chất thải theo đúng quy định, không xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

• Quản lý nước thải và chất thải nguy hại: Đối với các công trình có phát sinh nước thải và chất thải nguy hại (như dầu thải, dung môi, hóa chất), nhà thầu phải xử lý theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý.

• Kiểm soát bụi, tiếng ồn và rung động: Nhà thầu phải áp dụng các biện pháp giảm thiểu bụi từ vật liệu xây dựng, hạn chế tiếng ồn và rung động ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh.

• Kiểm soát ô nhiễm không khí và tiếng ồn: Nhà thầu phải có phương án hạn chế bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung và ánh sáng để đảm bảo các chỉ số này không vượt quá giới hạn cho phép theo quy định kỹ thuật môi trường.

• Vận chuyển vật liệu và chất thải an toàn: Việc di chuyển vật liệu xây dựng, phế thải phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, đảm bảo không gây rò rỉ, rơi vãi, làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

• Xử lý nước thải đúng quy chuẩn: Nước thải từ quá trình thi công cần được thu gom và xử lý trước khi xả thải ra môi trường, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.

• Tái sử dụng và xử lý chất thải rắn: Các vật liệu xây dựng có thể tái sử dụng cần được phân loại và tận dụng theo quy định. Đất, đá và chất thải rắn từ công trình có thể dùng làm vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng nếu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.

• Quản lý đất, bùn thải hợp lý: Đất, bùn từ hoạt động đào móng, nạo vét cần được tận dụng để cải tạo đất trồng hoặc sử dụng tại các khu vực phù hợp, thay vì thải bỏ gây ô nhiễm.

• Xử lý bùn thải từ hệ thống vệ sinh: Bùn từ bể phốt, hầm cầu phải được thu gom và quản lý theo quy định đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường.

• Thu gom và vận chuyển chất thải theo đúng quy định: Mọi loại chất thải phát sinh trong quá trình thi công phải được phân loại, lưu trữ và chuyển đến các cơ sở xử lý theo đúng quy định về quản lý chất thải.

Những quy định trên được đặt ra với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động xây dựng đối với môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.

2. Trách nhiệm giám sát và báo cáo môi trường của nhà thầu trong xây dựng

Nhà thầu không chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường mà còn phải có trách nhiệm giám sát và báo cáo việc thực hiện, cụ thể:

• Giám sát nội bộ: Nhà thầu cần cử cán bộ môi trường kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trên công trường.

• Báo cáo định kỳ: Trong quá trình thi công, nhà thầu phải lập báo cáo gửi cơ quan quản lý môi trường về việc tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

• Chịu sự giám sát của cơ quan chức năng: Nhà thầu phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và phải có trách nhiệm hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và thực hiện các yêu cầu khắc phục nếu có vi phạm.

3. Hệ quả pháp lý khi nhà thầu vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong xây dựng

Trong trường hợp nhà thầu vi phạm các quy định về nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong xây dựng có thể phải đối mặt với những hệ quả pháp lý nghiêm trọng. Những chế tài này không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính mà còn có thể dẫn đến đình chỉ hoạt động, rút giấy phép hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm. Cụ thể:

• Xử phạt hành chính: Theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường có thể bị phạt tiền tối đa lên đến hai tỷ đồng tùy mức độ vi phạm. Đồng thời sẽ bị tạm dừng thi công cho đến khi thực hiện cho đến khi thực hiện được các biện pháp khắc phục.

• Đình chỉ thi công hoặc rút giấy phép hoạt động: Nếu vi phạm nghiêm trọng, nhà thầu có thể bị tạm dừng thi công, bị rút giấy phép xây dựng hoặc bị cấm tham gia đấu thầu các dự án khác.

• Trách nhiệm dân sự và hình sự: Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã dành riêng Chương XIX để quy định về các tội phạm môi trường. Do đó, trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường hoặc sức khỏe con người, nhà thầu có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

4. Giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường trong xây dựng

• Điều này bao gồm việc nắm rõ nghiên cứu kỹ các quy định hiện hành, xin cấp các giấy phép môi trường theo yêu cầu trước khi triển khai thi công, cũng như đảm bảo các hoạt động xây dựng luôn đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm soát bụi, tiếng ồn, độ rung, nước thải và chất thải rắn.

• Dựa trên những quy định pháp luật Nhà thầu cũng cần xây dựng các phương án bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm túc trong suốt quá trình thi công. Đồng thời có thể thiết lập hệ thống giám sát và báo cáo về công tác bảo vệ môi trường. Nhà thầu cần cử cán bộ môi trường chịu trách nhiệm giám sát nội bộ, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trên công trường.

• Đồng thời, trong trường hợp không may xảy ra sự cố, nhà thầu cần có phương án xử lý nhanh chóng, kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực, hạn chế tổn thất và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định môi trường không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành xây dựng. Nhà thầu cần chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường ngay từ giai đoạn lập kế hoạch, thi công và sau khi hoàn thành dự án để đảm bảo tuân thủ pháp luật và hạn chế rủi ro phát sinh.

Trên đây là bài viết “Bảo vệ môi trường trong xây dựng – trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà thầu” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.

Trân trọng,