Kê biên tài sản đang tranh chấp là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời quan trọng được quy định trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Đây là biện pháp được sử dụng nhằm ngăn chặn bên có nghĩa vụ tẩu tán tài sản, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày một số nội dung về việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
1. Kê biên tài sản đang tranh chấp
Biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp được áp dụng nhằm kiểm kê, thống kê những tài sản đang có tranh chấp trong vụ án để nắm rõ về những tài sản đó và buộc người đang giữ tài sản tranh chấp không được chuyển dịch, tẩu tán hay phá hủy tài sản nếu có căn cứ cho thấy người trực tiếp giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ như: Xác lập các giao dịch giả tạo; phá hủy hay có các hành vi làm giảm giá trị tài sản…
Tài sản bị kê biên có thể là động sản hoặc bất động sản. Trong trường hợp tài sản bị kê biên là động sản thì sau khi kê biên, tài sản có thể được thu giữ, bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án hoặc giao cho người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án. Trong trường hợp tài sản bị kê biên là bất động sản thì sau khi kê biên, tài sản có thể được giao cho đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án.
2. Điều kiện áp dụng
2.1 Có đơn yêu cầu của đương sự hoặc người đại diện của đương sự
Tương tự với các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác, biện pháp kê biên được áp dụng khi có yêu cầu của đương sự. Việc quy định như vậy là phù hợp với thực tế bởi chỉ có đương sự mới nhận thức được nguy cơ và có đủ khả năng để chứng minh việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp là thật sự cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ngoài ra, việc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp theo yêu cầu của đương sự, người đại diện của đương sự sẽ giúp biện pháp này được áp dụng một cách khách quan, công bằng, phù hợp, tránh việc bên bị áp dụng bị thiệt hại do các biện pháp can thiệp không cần thiết, ảnh hưởng đến quyền lợi thiết yếu của họ.
2.2 Tài sản bị yêu cầu áp dụng biện pháp kê biên là tài sản đang tranh chấp
Biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp không được áp dụng đối với tất cả tài sản của đương sự trong vụ án dân sự mà chỉ áp dụng đối với tài sản đang có tranh chấp. Như vậy, biện pháp kê biên không tác động đến toàn bộ tài sản của bên có nghĩa vụ mà chỉ ngăn chặn sự chuyển dịch, tẩu tán, hủy hoại các tài sản đang có tranh chấp trong vụ việc.
2.3 Phải có căn cứ chứng minh hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản
Theo Khoản 1 Điều 120 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp chỉ được áp dụng khi “có căn cứ cho thấy có người đang giữ tài sản có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản tranh chấp”. Như vậy, khi có căn cứ xác thực là người đang giữ tài sản tranh chấp đã có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản đang tranh chấp thì Tòa án mới được quyết định áp dụng biện pháp này. Ví dụ, đương sự có hình ảnh, video quay lại cảnh người giữ tài sản có hành vi đập phá tài sản đang tranh chấp.
2.4 Người yêu cầu áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp phải thực hiện xong biện pháp bảo đảm
Để đảm bảo người yêu cầu có trách nhiệm với đề nghị của mình, cũng như đảm bảo cho các rủi ro khi áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp, pháp luật đã quy định người yêu cầu áp dụng biện pháp này phải thực hiện biện pháp bảo đảm với giá trị tương đương phần giá trị yêu cầu kê biên, trừ trường hợp Tòa án không yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm.
3. Trường hợp Tòa án không áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp
Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự, biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp không được áp dụng trong các trường hợp sau:
– Tài sản bị cấm lưu thông;
– Tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng;
– Tài sản đang phục vụ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của cá nhân; đồ dùng thờ cúng theo tập quán ở địa phương; công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn hơn được dùng làm phương tiện sinh sống thiết yếu của người bị áp dụng biện pháp kê biên;
– Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được sử dụng để đề phòng, chữa bệnh, phục vụ bữa ăn cho người lao động;
– Tài sản là thiết bị, phương tiện, tài sản không sử dụng vào mục đích kinh doanh thuộc các cơ sở nhà trẻ, trường học và cơ sở y tế;
– Tài sản là trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Trên đây là bài viết của TNTP về đề tài “Áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án”. Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả.
Trân trọng