Để đảm bảo quyền lợi của các bên và giữ nguyên trạng tài sản đang tranh chấp, pháp luật tố tụng dân sự đã quy định về một số biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong đó bao gồm biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. Đây là biện pháp nhằm ngăn chặn người giữ tài sản thay đổi tình trạng thực tế của tài sản có liên quan đến vụ kiện, đảm bảo việc thi hành án được thuận lợi. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày một số nội dung về việc áp dụng biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp trong quá trình giải quyết tại Tòa án.
1. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp
Tài sản đang tranh chấp là tài sản có từ hai người trở lên, mỗi bên đều khẳng định quyền sở hữu của mình đối với tài sản đó và phủ nhận quyền của bên còn lại. Việc thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp sẽ làm thay đổi giá trị tài sản tranh chấp, ảnh hưởng đến kết quả của việc xem xét, đánh giá chứng cứ cũng như hoạt động thi hành án dân sự. Do đó, dù chưa có quyết định chính thức giải quyết về tài sản tranh chấp nhưng Tòa án có thể áp dụng biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
Theo quy định tại Điều 122 BLTTDS 2015, biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp có thể được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án nếu có căn cứ cho thấy người đang quản lý hoặc sử dụng tài sản có hành vi sửa chữa, tháo dỡ, lắp ráp, xây dựng thêm hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào làm thay đổi trạng thái ban đầu của tài sản. Như vậy, việc áp dụng biện pháp này có thể hiểu là một yêu cầu từ Tòa án buộc người đang chiếm hữu tài sản phải giữ nguyên tình trạng ban đầu của tài sản đó nhằm ngăn chặn những tác động có thể làm thay đổi giá trị thực tế của tài sản, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tranh chấp. Thông thường, đối tượng áp dụng của biện pháp này là nhà, vật, kiến trúc, công trình xây dựng khác, ô tô, xe máy, tàu thuyền hay các tài sản hữu hình khác.
2. Điều kiện áp dụng
2.1 Có đơn yêu cầu của đương sự hoặc người đại diện của đương sự
Cũng giống như các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác, biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng khi có yêu cầu từ đương sự. Việc áp dụng biện pháp này xuất phát từ thực tế rằng bất kỳ sự thay đổi nào về hiện trạng của tài sản tranh chấp đều có thể ảnh hưởng đến giá trị của tài sản cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, chính đương sự là người hiểu rõ nhất mức độ cần thiết và tính cấp bách của việc áp dụng biện pháp này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
2.2 Tài sản bị yêu cầu áp dụng biện pháp cấm thay đổi hiện trạng là tài sản đang tranh chấp
Biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp không được áp dụng đối với tất cả tài sản của đương sự trong vụ án dân sự mà chỉ áp dụng đối với tài sản đang có tranh chấp. Nếu tài sản không liên quan đến tranh chấp, việc cấm thay đổi hiện trạng là không có căn cứ và có thể xâm phạm quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu hợp pháp.
2.3 Phải có căn cứ chứng minh người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản
Biện pháp khẩn cấp tạm thời này được áp dụng khi có căn cứ người đang chiếm hữu hoặc quản lý tài sản có hành vi làm thay đổi tình trạng ban đầu của tài sản tranh chấp, chẳng hạn như cơi nới, lắp ráp, xây dựng hoặc thực hiện các hành động khác tác động đến hiện trạng tài sản. Tuy nhiên, đây cũng là một bất cập bởi nếu hiểu rằng biện pháp này chỉ được áp dụng khi hành vi thay đổi hiện trạng đã xảy ra hoặc đang diễn ra, thì mục đích bảo toàn nguyên vẹn trạng thái của tài sản sẽ không đạt được. Khi đó, quyết định của Tòa án về việc cấm thay đổi hiện trạng tài sản chỉ đang dừng lại ở việc yêu cầu chấm dứt hành vi đang diễn ra, thay vì ngăn chặn ngay từ đầu để bảo vệ nguyên trạng tài sản tranh chấp.
2.4 Người yêu cầu áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp phải thực hiện xong biện pháp bảo đảm
Để đảm bảo người yêu cầu có trách nhiệm với đề nghị của mình, cũng như đảm bảo cho các rủi ro khi áp dụng biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, pháp luật đã quy định người yêu cầu áp dụng biện pháp này phải thực hiện biện pháp bảo đảm với giá trị tương đương phần giá trị của tài sản bị cấm thay đổi hiện trạng, trừ trường hợp Tòa án không yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm.
Biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp giúp bảo vệ quyền lợi của các bên và đảm bảo tính khả thi của việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Tuy nhiên, để biện pháp này phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án, cơ quan thi hành án và các bên liên quan trong việc thực hiện và giám sát. Đồng thời, việc hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao năng lực thực thi là điều cần thiết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên trong tranh chấp dân sự.
Trên đây là bài viết của TNTP về đề tài “Áp dụng biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp trong quá trình giải quyết tại Tòa án”. Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả.
Trân trọng,