Thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định pháp luật

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định quan trọng được áp dụng phổ biến trong các vụ án hành chính, dân sự và đặc biệt là hình sự. Do đó, hiểu và áp dụng chế định này một cách hiệu quả sẽ giúp cá nhân, tổ chức bảo vệ được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay của khách hàng. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ làm rõ khái niệm, các điều kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và nêu ra các bước thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để cung cấp cho các độc giả một góc nhìn về thủ tục này.
1.Khái niệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự phát sinh khi một cá nhân hoặc tổ chức gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, danh dự hoặc nhân phẩm cho người khác mà giữa các bên không phát sinh quan hệ dân sự từ hợp đồng.
2.Điều kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ngày 06/9/2022, để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người yêu cầu phải chứng minh các yếu tố sau:
- Có hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại;
- Có thiệt hại thực tế xảy ra;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại; và
- Có lỗi của bên gây thiệt hại (trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật).
Như vậy, yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xem là có cơ sở khi người bị thiệt hại chứng minh được tất cả các yếu tố trên.
3.Quy trình thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại
Bước 1: Thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại
Người bị thiệt hại cần thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu bao gồm:
- Chứng từ, hóa đơn chi phí điều trị, sửa chữa tài sản,… (Mức độ thiệt hại).
- Video, hình ảnh, bản trình bày của người chứng kiến sự việc,… (Hành vi vi phạm của bên gây thiệt hại).
Như vậy, để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là có căn cứ, có thật trên thực tế, người bị thiệt hại có trách nhiệm thu thập và cung cấp hồ sơ, tài liệu.
Bước 2: Thương lượng, hòa giải
Các bên có thể tự thỏa thuận mức bồi thường thông qua thương lượng hoặc hòa giải. Nếu không đạt được thỏa thuận, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bước 3: Khởi kiện/Yêu cầu
Nếu thương lượng, hòa giải không thành, người bị thiệt hại có thể nộp đơn khởi kiện/đơn yêu cầu tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Hồ sơ khởi kiện/yêu cầu bao gồm:
- Đơn khởi kiện hoặc Đơn yêu cầu.
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại đã thu thập được ở Bước 1.
- Căn cước công dân/chứng minh nhân dân hoặc tài liệu khác thể hiện thông tin người khởi kiện/người yêu cầu.
- Tài liệu thể hiện thông tin người bị kiện/người bị yêu cầu (nếu có).
- Các tài liệu liên quan khác (nếu có).
Trước khi đưa ra yêu cầu, người bị thiệt hại phải xác định rõ mức thiệt hại và khả năng chứng minh được thiệt hại để từ đó xác định phạm vi yêu cầu khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ việc tại Toà án, nguyên đơn và bị đơn vẫn có thể hoà giải để thoả thuận mức bồi thường.
4.Một số trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phổ biến
- Giết người hoặc cố ý gây thương tích: Người gây ra thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ của người khác thì phải bồi thường cho gia đình của nạn nhân hoặc bị hại.
- Xúc phạm, nhục mạ người khác trên mạng xã hội: Người bị xúc phạm có quyền yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật.
- Thiệt hại do cháy, nổ chung cư mini, nhà trọ: Người gây ra cháy, nổ và/hoặc chủ nhà trọ phải bồi thường thiệt hại về tài sản và/hoặc tính mạng đối với người bị thiệt hại.
Từ những nội dung trên, có thể thấy thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một vấn đề quan trọng và phức tạp. Để đảm bảo quyền lợi của mình, người bị thiệt hại cần hiểu rõ quy trình yêu cầu bồi thường, thu thập chứng cứ đầy đủ và thực hiện đúng thủ tục pháp lý. Trong trường hợp cần thiết, sự hỗ trợ của luật sư sẽ góp phần nâng cao khả năng thành công trong việc yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại.
Trên đây là bài viết “Thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định pháp luật” của luật sư TNTP, Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích đối với quý độc giả.
Trân trọng,