Ngày 16 tháng 9 năm 2024, Nghị định 115/2024/NĐ-CP được ban hành, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hướng dẫn và điều chỉnh các hoạt động đấu thầu liên quan đến các dự án có sử dụng đất. Nghị định này không chỉ đảm bảo tính minh bạch trong quá trình đấu thầu mà còn giúp thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đi sâu phân tích những điểm mới trong Nghị định và tác động của chúng đối với các nhà đầu tư, cơ quan nhà nước, và các bên liên quan khác.

1. Những điểm mới trong quy định về lựa chọn nhà đầu tư

Nghị định 115/2024/NĐ-CP (“Nghị định 115”) quy định chi tiết về quy trình và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong các dự án đầu tư có sử dụng đất. Một trong những điểm mới quan trọng là việc đưa ra các tiêu chí rõ ràng và công khai hơn trong việc đánh giá năng lực của nhà đầu tư, bao gồm các yếu tố tài chính, kinh nghiệm, và năng lực triển khai dự án.

Theo đó, Nghị định 115 đã quy định về các dự án đầu tư có sử dụng đất phải lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể, Điều 4 Nghị định 115 quy định về các dự án sau phải tổ chức đầu thầu bao gồm:

(i) Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp và dự án khu dân cư nông thôn được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu.

(ii) Dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm công khai các thông tin liên quan đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư, từ đó giúp đảm bảo tính minh bạch, ngăn ngừa tình trạng trục lợi hay gian lận trong quá trình đấu thầu.

2. Cải cách trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư

Nghị định 115/2024/NĐ-CP đã thực hiện các cải cách quan trọng trong quy trình đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư. Một trong những điểm đáng chú ý là việc đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian và chi phí, giúp quá trình lựa chọn nhà đầu tư trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Cụ thể, Nghị định 115 đã thực hiện các biện pháp như:

• Các điều khoản, quy định về việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đã được loại bỏ trong Nghị định 115. Đồng thời, việc thẩm định hồ sơ mời quan tâm và danh sách các nhà đầu tư đáp ứng về mặt kỹ thuật cũng đã được đơn giản hóa. Ngoài ra, Nghị định 115 còn cho phép lập hồ sơ mời thầu và hồ sơ mời quan tâm đồng thời với các thủ tục về quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, từ đó giảm thiểu các bước trùng lặp và tiết kiệm thời gian cho các bên liên quan.

• Việc quy định chi tiết hơn về quy trình đấu thầu và thẩm định hồ sơ dự án. Nghị định 115 yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thẩm định hồ sơ dự thầu, đảm bảo tính khách quan và hiệu quả trong việc đánh giá các hồ sơ dự thầu. Các bước thẩm định phải được thực hiện theo trình tự cụ thể và nghiêm ngặt, từ đó hạn chế tình trạng bỏ sót hoặc thẩm định không đầy đủ các yếu tố quan trọng của dự án.

• Bãi bỏ thủ tục lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Theo quy định tại các văn bản pháp luật cũ, trong một số trường hợp đặc biệt, người có thẩm quyền sẽ phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ chấp thuận nhà đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định 115 mới đã bãi bỏ yêu cầu này, trao quyền tự chủ và nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy sự chủ động và kịp thời trong việc thực hiện các dự án đầu tư công.

Những thay đổi này không chỉ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án đầu tư công, đồng thời tăng cường tính minh bạch và công bằng trong đấu thầu, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư.

3. Thay đổi về trình tự lựa chọn nhà đầu tư

• Một trong những điểm mới quan trọng được quy định tại Điều 59 của Nghị định 115 là quy định về việc xử lý khi chỉ có ít hơn ba nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Cơ quan có thẩm quyền sẽ có hai lựa chọn: (i) Cho phép gia hạn thời gian đóng thầu và điều chỉnh hồ sơ mời thầu để thu hút thêm nhà đầu tư tham gia, hoặc (ii) Mở thầu ngay nếu số lượng nhà đầu tư không đủ. Quy định này giúp hạn chế tình trạng “dàn xếp” trong đấu thầu và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư cũng như của xã hội.

• Bằng cách thay đổi quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch và mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư, Nghị định 115 đã tạo ra một cơ chế pháp lý linh hoạt và hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình đầu tư công và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

4. Ưu đãi trong việc lựa chọn cho nhà đầu tư

Nghị định 115 không chỉ đơn giản hóa thủ tục đấu thầu mà còn quy định những ưu đãi rõ ràng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia các dự án công, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất, cụ thể theo quy định tại Điều 6 Nghị định 115 quy định hai nhóm đối tượng nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi khi tham gia dự thầu:

• Nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao và thân thiện môi trường: Đối với các dự án có khả năng gây ảnh hưởng môi trường cao, nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động sẽ được ưu đãi 5% trong quá trình đánh giá hồ sơ.

• Nhà đầu tư cam kết chuyển giao công nghệ: Các nhà đầu tư thực hiện chuyển giao công nghệ tiên tiến, thuộc danh mục ưu tiên của Chính phủ, được hưởng mức ưu đãi 2%.

Để đủ điều kiện nhận ưu đãi, khi tham dự thầu nhà đầu tư phải nộp đầy đủ tài liệu chứng minh giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, quyền sử dụng hợp pháp công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường.

Các ưu đãi này không chỉ tăng tính cạnh tranh mà còn giúp các nhà đầu tư có đủ động lực và tiềm lực tài chính để tham gia vào các dự án lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội.

Các thay đổi này sẽ có tác động sâu rộng đến cả nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước. Đối với nhà đầu tư, Nghị định giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án có chất lượng cao. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng sẽ có thể tiếp cận thông tin đầy đủ và minh bạch hơn, giảm thiểu các rủi ro trong quá trình đấu thầu.

Nghị định 115/2024/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý về đấu thầu, đặc biệt trong các dự án có sử dụng đất. Các quy định mới sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và công bằng trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời tạo ra một môi trường đấu thầu lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Nghị định 115/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.

Trân trọng,