Thủ tục yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam được thực hiện khi một bên trong tranh chấp có căn cứ cho rằng phán quyết trọng tài vi phạm quy định pháp luật hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bài viết dưới đây của TNTP sẽ hướng dẫn chi tiết về thủ tục yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành.
1. Căn cứ để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam
Phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm và ràng buộc các bên tranh chấp. Tuy nhiên, Theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010, phán quyết trọng tài có thể bị hủy trong một số trường hợp. Theo đó, trước khi đưa ra yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy phán quyết Trọng tài, bên yêu cầu phải xem xét phán quyết Trọng tài có thuộc một trong các trường hợp sau hay không:
• Không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
• Thành phần Hội đồng trọng tài hoặc thủ tục tố tụng không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với quy định của Luật Trọng tài Thương mại;
• Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài;
• Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
• Phán quyết trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
2. Thủ tục yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam
2.1. Nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam
Theo Điều 69 Luật Trọng tài thương mại 2010, khi có căn cứ cho rằng cần hủy phán quyết trọng tài, một trong các bên tranh chấp phải soạn thảo và gửi đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Khi làm đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, bên có yêu cầu cần lưu ý một số vấn đề như sau:
(i) Thứ nhất là về thẩm quyền của Tòa án: Tòa án có thẩm quyền xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết.
(ii) Thứ hai là thời hạn nộp đơn:
• Nếu có có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp có thể bị hủy theo quy định của pháp luật, thời hạn để bên có yêu cầu nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài.
• Việc tuân thủ thời hạn này là bắt buộc, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, bên yêu cầu hủy phán quyết phải chứng minh được tính chất bất khả kháng của sự kiện đó và lý do không thể nộp đơn đúng hạn.
(iii) Thứ ba là nội dung của Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:
Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải đảm bảo các nội dung chủ yếu sau:
• Ngày, tháng, năm làm đơn;
• Tên và địa chỉ của bên có yêu cầu;
• Yêu cầu và căn cứ huỷ phán quyết trọng tài.
(iv) Thứ tư là tài liệu đính kèm theo đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:
Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải nêu rõ căn cứ thuộc một hoặc nhiều trường hợp theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 và phải kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Lưu ý, kèm theo đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài phải có đầy đủ các giấy tờ được chứng thực hợp lệ sau:
• Bản chính hoặc bản sao phán quyết trọng tài;
• Bản chính hoặc bản sao thoả thuận trọng tài.
Các tài liệu, giấy tờ kèm theo bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được chứng thực hợp lệ.
Sau khi đã chuyển bị xong hồ sơ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, bên có yêu cầu tiến hành nộp hồ sơ đến Toà án có thẩm quyền theo một trong ba phương thức sau: (1) Nộp trực tiếp tại Tòa án; (2) Nộp qua đường dịch vụ bưu chính; (3) Gửi hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
2.2. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài
Sau khi nhận được đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có thẩm quyền sẽ tiến hành thụ lý đơn. Theo quy định tại Điều 71 Luật Trọng tài thương mại 2010, sau khi thụ lý đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có thẩm quyền phải thông báo ngay cho Trung tâm trọng tài hoặc các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc, các bên tranh chấp và Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý, Chánh án Tòa án chỉ định một Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án. Hội đồng này sẽ có thẩm quyền xem xét, quyết định việc có hủy hay không hủy phán quyết trọng tài
Việc thụ lý đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài không đồng nghĩa với việc Tòa án đã chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Đây chỉ là bước đầu tiên trong quy trình xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, và Tòa án sẽ tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo để đưa ra quyết định cuối cùng.
2.3. Tòa án tổ chức phiên họp xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thụ lý, Tòa án sẽ tiến hành tổ chức phiên họp xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Đây là giai đoạn trung tâm trong thủ tục xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, trong đó Tòa án sẽ trực tiếp xem xét, đánh giá tính hợp pháp của phán quyết trọng tài dựa trên các căn cứ và chứng cứ được cung cấp.
(i) Thứ nhất, về thành phần tham dự phiên họp:
• Phiên họp được tiến hành với sự có mặt của các bên tranh chấp, luật sư của các bên (nếu có), và Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
• Tuy nhiên, trường hợp một trong các bên yêu cầu Hội đồng xét đơn vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng chấp thuận, Hội đồng vẫn tiến hành xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
(ii) Thứ hai, về nội dung xem xét tại phiên họp:
• Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định.
• Cần lưu ý là Hội đồng không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết, mà chỉ xem xét tính hợp pháp của phán quyết trọng tài dựa trên các căn cứ và chứng cứ được cung cấp. Điều này phù hợp với bản chất của thủ tục yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, chỉ nhằm kiểm tra tính hợp pháp của phán quyết trọng tài, không phải là một cấp xét xử phúc thẩm.
(iii) Thứ ba, về việc tạm đình chỉ xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:
• Xét theo yêu cầu của một bên và xét thấy phù hợp, Hội đồng xét đơn yêu cầu có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong thời hạn không quá 60 ngày để tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót tố tụng trọng tài.
• Trường hợp Hội đồng trọng tài không tiến hành khắc phục sai sót tố tụng, Hội đồng tiếp tục xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
(iv) Thứ tư, về việc đình chỉ xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài: Trong trường hợp bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài rút đơn hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng chấp thuận, Hội đồng ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.
Phiên họp xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là giai đoạn quyết định, trong đó Tòa án sẽ trực tiếp xem xét, đánh giá tính hợp pháp của phán quyết trọng tài. Bên có yêu cầu cần chuẩn bị kỹ các tài liệu, chứng cứ và lập luận pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại phiên họp này.
2.4. Ra quyết định hủy phán quyết trọng tài
Giai đoạn cuối cùng trong thủ tục yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là việc Tòa án ra quyết định hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài. Đây là giai đoạn quyết định, kết thúc quá trình xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và có ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu lực của phán quyết trọng tài.
Sau khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn yêu cầu có quyền ra quyết định hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài. Quyết định hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài này là chung thẩm và có hiệu lực thi hành ngay.
Về hậu quả pháp lý của quyết định hủy phán quyết trọng tài:
• Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định hủy phán quyết trọng tài, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án. Điều này có nghĩa là phán quyết trọng tài bị hủy sẽ không còn giá trị pháp lý và các bên phải tìm kiếm phương thức giải quyết tranh chấp khác.
• Nếu hội đồng ra quyết định không hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành. Các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo phán quyết đó. Nếu một bên không tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài, bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành phán quyết.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định cho các bên, Trung tâm trọng tài hoặc Trọng tài viên Trọng tài vụ việc và Viện kiểm sát cùng cấp. Việc gửi quyết định này nhằm đảm bảo quyền được thông tin của các bên và cơ quan liên quan, tạo cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo trong việc giải quyết tranh chấp.
Trên đây là nội dung chia sẻ của TNTP về Thủ tục yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Việt Nam. Hi vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với quý độc giả. Trường hợp cần hỗ trợ, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi.
Trân trọng.