Luật Bảo hiểm Xã hội 2024 đã được Quốc hội khóa 15 Thông qua vào ngày 29/06/2024 và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07/2025 hứa hẹn mang đến nhiều thay đổi theo hướng gia tăng các chế độ, quyền lợi và khuyến khích việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động cũng như các cá nhân có nhu cầu. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày Một số điểm mới đáng chú ý của Luật bảo hiểm xã hội 2024 So với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

1. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc

Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bổ sung một số các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

• Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh);

• Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

• Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;

• Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);

Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

2. Bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội

Trợ cấp hưu trí xã hội, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4, được định nghĩa là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm cho người cao tuổi đủ điều kiện theo quy định của Điều 21, bao gồm: (i) Từ đủ 75 tuổi trở lên (Từ 70 đến dưới 75 tuổi đối với trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo); (ii) Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; (iii) Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Về chế độ trợ cấp hưu trí xã hội được quy định tại Điều 22, cụ thể như sau:

• Mức trợ cấp hằng tháng sẽ do Chính phủ quy định, đáp ứng điều kiện phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.

• Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

• Trường hợp người được hưởng chế độ hưu trí xã hội đồng thời thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn.

• Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.

Điều 23 quy định về chế độ trợ cấp hàng tháng trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu và trợ cấp hưu trí xã hội, cụ thể:

• Công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình với thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

• Người có nhu cầu thụ hưởng sẽ gửi hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm xã hội, bao gồm: (i) Sổ bảo hiểm xã hội; (ii) Văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu

Theo quy định tại Điều 64 và Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện khi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu. Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã giảm thời giam đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm, thay vì 20 năm như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, góp phần khuyến khích các đối tượng tham gia lựa chọn hưởng lương hưu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

4. Trợ cấp thai sản đối với bảo hiểm tự nguyện

Nếu như ở Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người tham gia bảo hiểm tự nguyện chỉ có chế độ lương hưu và chế độ tử tuất, thì Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung trợ cấp thai sản đối với loại hình bảo hiểm này. Điều này sẽ hỗ trợ phần nào cho người tham gia bảo hiểm tự nguyện là nữ giới trong thời kỳ thai sản. Trợ cấp thai sản được quy định từ Điều 94 đến Điều 97 với những nội dung chính như sau:

• Về đối tượng được hưởng trợ cấp thai sản bao gồm (i) Lao động nữ sinh con; (ii) Lao động nam có vợ sinh con.

• Điều kiện hưởng trợ cấp thai sản: Đối tượng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; (ii) Cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng trong trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con.

• Về loại hình bảo hiểm được hưởng trong một số trường hợp:

– Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng.

– Trường hợp vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.

– Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.

– Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.

• Mức trợ cấp thai sản: Điều 95 quy định mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ. Nếu lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con sẽ được hưởng thêm chính sách hỗ trợ khác.

• Về thủ tục: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản là một trong các giấy tờ sau đây:

– Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

– Trường hợp thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ hoặc con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là một trong các giấy tờ sau đây: (i) Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có thể hiện thông tin con chết; (ii) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của lao động nữ sinh con có thể hiện thông tin con chết; (iii) Bản sao giấy báo tử của con; (iv) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp con chết trong thời hạn 24 giờ sau khi sinh.

– Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội.Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Nhìn chung, các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 hướng tới việc mở rộng các chế độ bảo hiểm cho các đối tượng tham gia, bổ sung các chế độ trợ cấp cho các đối tượng cụ thể để đảm bảo an sinh xã hội cho những đối tượng đặc biệt, đúng với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mặt khác, các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cũng góp phần khuyến khích các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội lựa chọn hưởng chế độ hưu trí thay vì tất toán bảo hiểm xã hội trong một lần, góp phần hướng tới sự cân bằng và ổn định trong hệ thống bảo hiểm xã hội.

Trân trọng,